Mặc dù tốn biết bao công sức nhưng giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Xy-ri có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn. Các vụ đánh bom đẫm máu liên tiếp xảy ra, cùng với việc các nhóm đối lập ở Xy-ri đã tuyên bố thành lập liên minh mới chống lại chính phủ đang nắm quyền cho thấy dấu hiệu đất nước Xy-ri đang rơi vào cuộc nội chiến đã quá rõ ràng. Các nhà quan sát cũng cho rằng, quốc gia Trung Đông này sẽ rơi vào cuộc nội chiến toàn diện là không thể tránh khỏi nếu các giám sát viên nước ngoài không đưa ra được những biện pháp nhằm giám sát một lệnh ngừng bắn và buộc các bên liên quan phải ngừng ngay việc sử dụng vũ lực.
Tình hình bạo lực vẫn tiếp diễn ở Xy-ri đã bao phủ bóng đen lên thỏa thuận ngừng bắn theo kế hoạch hòa bình sáu điểm mà Đặc phái viên chung của Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả-rập (AL) C.An-nan đề xuất có hiệu lực từ ngày 12-4. Theo AFP, ngày 10-5, hai vụ nổ liên tiếp có sức công phá lớn đã làm rung chuyển thủ đô Đa-mát, khiến ít nhất 55 người thiệt mạng và hơn 370 người bị thương. Những kẻ đánh bom đã sử dụng hơn 1.000kg thuốc nổ trong các xe của chúng để thực hiện vụ khủng bố kinh hoàng đó. Chính phủ Xy-ri tố cáo phe đối lập gây ra các vụ nổ trên. Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC) cùng ngày lại cáo buộc chính phủ Xy-ri đứng đằng sau hai vụ nổ đẫm máu này. Các nhà phân tích cho rằng, những hoạt động khủng bố bằng bom hầu hết đều do lực lượng vũ trang chống chính phủ gây ra...
Nga và Trung Quốc cũng thúc giục tất cả các bên ở Xy-ri chấm dứt bạo lực sau vụ đánh bom nói trên. Tình hình Xy-ri nghiêm trọng đến mức cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại, đã ra những tuyên bố có tính tối hậu thư đối với chính phủ Xy-ri. Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Xy-ri thực hiện đầy đủ và ngay lập tức kế hoạch hòa bình sáu điểm của LHQ và Liên đoàn các nước Ả-rập.
Phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp yêu cầu tất cả các bên chấm dứt bạo lực và hợp tác với Đặc phái viên C. An-nan và các đặc phái viên của LHQ. Nga và Trung Quốc cam kết cùng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Xy-ri và tái khẳng định sự ủng hộ đối với kế hoạch sáu điểm do ông C. An-nan đề xuất.
Trên thực tế, cuộc xung đột giữa lực lượng đối lập đang được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn với chính quyền của Tổng thống Xy-ri A. Át-xát ngày càng khốc liệt. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ thiết bị hậu cần và viễn thông cho các nhóm đối lập để lật đổ ông A. Át-xát.
Nguy cơ các cuộc nổi dậy ở Xy-ri đang leo thang thành một cuộc nội chiến quy mô lớn đã thấy rõ. Nguy hiểm hơn, một cuộc nội chiến không loại trừ sẽ hút các quốc gia khác vào cuộc, sẽ không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn khu vực mà còn làm gia tăng sự đối đầu giữa các cường quốc trên thế giới. Những đồn đoán về sự can thiệp quân sự của nước ngoài có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp theo kiểu "chiến tranh lạnh" giữa Nga và Mỹ.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri kéo dài 14 tháng qua đã làm hơn 12.000 người chết và hàng vạn người bị thương. Sở dĩ cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng và phức tạp vì có nguyên nhân sâu xa từ trong nước và sự can thiệp của Mỹ và các nước phương Tây. Ở trong nước là mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị - xã hội gay gắt không thể dung hòa, đã hình thành phe đối lập chống chính phủ. Phe này đã lớn mạnh, được một bộ phận không nhỏ dân chúng ủng hộ. Ngược lại chính phủ Xy-ri sau nhiều thập niên cầm quyền mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp như nạn tham nhũng độc tài chuyên quyền, mất dân chủ, nhân dân giảm sút niềm tin, trong khi đó Mỹ và phương Tây lại can thiệp trắng trợn để hòng lật đổ chính phủ hợp hiến, dựng nên một chính phủ thân Mỹ ở Xy-ri. Người ta cho rằng, kể cả việc chính phủ Xy-ri nghiêm chỉnh thực hiện giải pháp hòa bình thì không có nghĩa là giải pháp này mang lại bình yên cho chính phủ Xy-ri, vì mưu toan của Mỹ và phương Tây là sử dụng mọi biện pháp có thể để lật đổ chính phủ Xy-ri.
Cho nên tình hình Xy-ri còn diễn biến căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cục diện chung của khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Thời gian tới là thử thách khắc nghiệt với chính quyền của Tổng thống A. Át-xát hoặc là đứng vững hoặc là sụp đổ. Nếu chính phủ Xy-ri sụp đổ, phe đối lập lên nắm quyền là một tín hiệu rất xấu đối với tiến trình xây dựng khu vực hòa bình ổn định ở Trung Đông và Bắc Phi. Nếu theo tiến trình cực kỳ nguy hiểm này (như đã diễn ra ở Li-bi), chắc chắn nhiều phe đối lập ở các nước khác sẽ lấn tới để làm chính biến.
Thanh Trà