Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 19-9.

Chiến sự ở Ukraine đang lên cao điểm khi Kiev dồn lực để mở các đợt phản công quy mô lớn, quyết tâm chọc thủng các phòng tuyến kiên cố mà Nga dựng lên. Thế nhưng, sức nóng của đạn pháo, tên lửa, xe tăng ở tiền tuyến vẫn chưa là gì khi Ukraine và các nước láng giềng ủng hộ mình lời qua tiếng lại trong cuộc chiến ngũ cốc, cuộc chiến có nguy cơ dựng lên bức tường rào đẩy Kiev vào thế bị cô lập bởi chính những đồng minh hăng hái nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022.

Chuyện bắt đầu từ lời cáo buộc của Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky tại Khóa họp thứ 78 - Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 19-9-2023 rằng, một số quốc gia chỉ "giả vờ" đoàn kết với Kiev, đồng thời chỉ trích cái mà ông cho là "sân khấu chính trị" xung quanh việc xuất khẩu ngũ cốc. Ông Zelensky chorằng: “Một số nước bạn của Ukraine ở châu Âu dựng ra vở diễn hồi hộp về ngũ cốc Ukraine”.

Căng thẳng xoay quanh câu chuyện xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine tăng cao khi Ba Lan, Slovakia và Hungary áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu đã đồng ý hạn chế nhập khẩu một số loại lương thực từ Ukraine vào 5 quốc gia thành viên, gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria nhằm bảo vệ nông dân ở những nước này khi các sản phẩm nhập khẩu tác động đến giá cả trên thị trường địa phương. Biện pháp này cho phép các sản phẩm tiếp tục được quá cảnh qua 5 nước trên nhưng không được phân phối ở các thị trường địa phương. Thế nhưng, ngày 15-9, Ủy ban châu Âu đã không gia hạnlệnh cấm khi cho rằng thị trường tại các nước trên không còn biến động nữa. Tuy nhiên, Ba Lan, Skovalia và Hungary vẫn tiếp tục gia hạn lệnh cấm này nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Phản ứng trước động thái này, Ukraine đã đệ đơn khiếu nại 3 nước trênlên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Vậy là, về mặt pháp lý, Ukraine chính thức phát đơn kiện chính những láng giềng đang ủng hộ mình còn về chính trị, đích thân Tổng thống Ukraine đã chỉ trích các nước trên trước diễn đàn lớn nhất hành tinh - Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Tất nhiên, Ba Lan là nước bức xúc nhất trước phát biểu của ông Zelensky. Theo Thủ tướng Ba Lan - Mateusz Morawiecki, cho tới nay, Ba Lan đã gửi gần hết kho vũ khí hạng nặng của mình cho Ukraine với320 chiếc xe tăng theo mẫu có từ thời Liên Xô, 14 chiếc MiG-29 và không còn gì để trao cho Ukraine. Ngày 21-9, ngay cả tờ Bưu điện Kiev của Ukraine cũng ghi nhận Ba Lan là nước hỗ trợ “mạnh nhất, nhiều nhất”cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ.

Quả thực, việc ngũ cốc Ukraine bị bán tống, bán tháo ở các nước láng giềng đã gây tổn thất lớn cho thị trường của họ. Lấy Ba Lan làm ví dụ. Một chuyên trang về nông nghiệp thống kê, tính đến tháng 2-2023, Chính phủ Ba Lan phải chi  khoảng 459 triệu USD trợ cấp cho nông dân nước này vì thua thiệt bởi ngũ cốc Ukraine. Chẳng những thế, một số bình luận cũng cho rằng đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) ở Ba Lan đang cần thu hút cử tri vùng nông thôn. Theo CNN, trước thềm cuộc bầu cử ngày 15-10, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy PiS mất đa số trong Quốc hội. Họ đặc biệt gặp khó khăn ở các vùng nông thôn vốn là thành trì của họ ở miền đông Ba Lan, nơi nông nghiệp là trụ cột kinh tế quan trọng. PiS đang mất một phần cơ sở cử tri của họ vào tay đảng Liên minh, một nhóm cực hữu từng biểu tình phản đối chi phí viện trợ quân sự của Ba Lan cho Ukraine và phàn nàn rằng hoàn cảnh khó khăn của Ukraine - thay vì người dân Ba Lan - đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Hứng chịu chỉ trích cả ở trong và ngoài nước ngay trước thềm bầu cử khiến chính phủ đương nhiệm Ba Lan phản ứng gay gắt cả bằng lời lẽ và hành động. Ngoài việc Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu tập Đại sứ Ukraine đến để phản đối ngay lập tức, Thủ tướng Ba Lan - Morawiecki cũng tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine nữa để tập trung vào khả năng phòng thủ của đất nước. Thậm chí, ông còn cảnh báo Ba Lan sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm của Ukraine bị cấm nhập khẩu nếu Kiev leo thang tranh chấp trong vấn đề ngũ cốc. Trong khi đó, các chính trị gia Slovakia đã lên tiếng ủng hộ Ba Lan và phê phán ông Zelensky. Theo trang Onet.pl, Chủ tịch Quốc hội Slovakia - Boris Kollar nói rằng: Zelensky là kẻ “đưa cho một ngón tay thì muốn giật cả cánh tay”. Còn cựu Thủ tướng Slovakia - Igor Matovic, hiện lãnh đạo một đảng chính trị, yêu cầu ông Zelensky “dừng lại, cài số lùi và xin lỗi”.

Vậy là chuyện “hạt lúa, củ khoai” đã biến thành chuyện “súng đạn”. Mâu thuẫn giữa Ukraine và những nước láng giềng đã bị đẩy lên cao. Việc Ba Lan quyết định ngừng gửi vũ khí cho Ukraine có thể sẽ gây ảnh hưởng khắp châu Âu. Bên cạnh đó, Ba Lan cũng có thể có những quyết định khác tác động trực tiếp tới chiến sự ở Ukraine khi vũ khí của NATO chuyển cho Ukraine phần lớn được tập kết ở Ba Lan. Cuộc chiến ngũ cốc biết đâu lại trở thành khởi nguồn dẫn tới kết thúc chiến sự ở Ukraine nếu Kiev mất đi sự ủng hộ từ bên ngoài, nhất là những nước láng giềng.

Thanh Huyền