Tết Trung thu là một trong rất nhiều cái Tết ở nước ta.

Đúng như tên gọi của nó, Tết Trung thu ở vào thời điểm giữa mùa thu. Mùa thu là mùa trăng sáng nhất, trong nhất, trăng rằm tháng tám cũng trong sáng nhất trong năm nên mới gọi là Tết trông trăng: Trăng rằm Trung thu biểu tượng của thời tiết, câu tục ngữ: "Muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám". Mùa thu cũng là Tết của muôn quả thơm, trái ngọt. Đất nước ta ở vào vị trí nhiệt đới, nóng và ẩm, có hoa trái bốn mùa nhưng mùa thu là mùa nhiều loại quả nhất mà có loại quả mùa khác không có như quả thị - thơm cả trong câu chuyện cổ tích "Tấm Cám". Cách mạng Tháng Tám thành công vào mùa thu, Bác mất vào mùa thu, khai giảng năm học mới cũng vào mùa thu: Hương cốm mùa thu sao mà thơm đến thế, lại gió thu nữa, se se lạnh để ru người ta ngủ ngon giấc nồng…

Biết rằng Tết Trung thu là Tết của trẻ em: Ngoài bánh trái, bày cỗ trông trăng, các em còn múa hát, rước đèn ông sao, múa sư tử, kỳ lân - mời trăng xem, mời sao xuống phá cỗ. Tất thảy cha mẹ, đoàn thể lo cho các em, các cháu cái Tết Trung thu thật vui vẻ, đầy đủ vật chất và tinh thần. Bác Hồ đã từng nói: "Trẻ em như búp trên cành". Mọi người trên thế giới ngày nay đồng thuận với khẩu hiệu: "Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai". Nhận thức điều đó cũng như một chân lý, nên cách đây 75 năm ngày 17-9-1945, Bác Hồ đã gửi Thư cho các cháu nhân dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên:

Tết Trung thu với nền độc lập:

Cùng các trẻ em yêu quý!

Hôm nay là Tết Trung thu.

Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa và nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ!

Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở.

Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập.

Hôm nay tha hồ các em vui chơi cho thoả chí, ngày mai trong các em ra sức học tập, tất cả các em đã biết chữ quốc ngữ chưa? Em nào chưa biết thì phải học cho biết. Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong hội. (Các em đã vào Hội đó chưa? Em nào chưa vào thi nên vào hội cho vui).

Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui, cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?

Trung thu này, già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái!

Hồ Chí Minh

Từ đó hằng năm, cứ vào dịp Tết Trung thu là Bác Hồ đều viết thư cho các cháu: Khuyên răn, dạy dỗ các cháu nhiều điều bổ ích, thiết thực. Mặc dù Bác rất bận trăm công nghìn việc của đất nước. Có năm Bác viết bằng văn xuôi, có năm vừa văn xuôi vừa thơ hoặc thư chúc Tết Trung thu cho các cháu chỉ là một bài thơ ngắn trong đó có những câu không ai là không nhớ:

"Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".

Trung thu năm 1952, Bác gửi thư bằng 12 câu thơ. Trong đó có câu:

"Ai yêu các cháu nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh".

Các cháu lại "phúc đáp" lại Bác: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng".

Sau ngày Bác mất (2-9-1969) đến nay, học tập làm theo đạo đức tư tưởng của Bác, các vị Chủ tịch nước cứ đến dịp Tết Trung thu, hoặc dịp khai giảng năm học mới đều có thư gửi các cháu và các thầy cô giáo. Đây là một nghĩa cử tốt đẹp - thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước với các hy vọng sẽ tồn tại mãi mãi - khi mùa thu về với Tết Trung thu.

Lê Hồng Thiện