Trung tâm thương mại vắng người ở T.P Milan, Italy.
Dịch Covid-19 đang lây truyền trên khắp thế giới khiến hơn 170.000 người nhiễm bệnh và hơn 6.500 người tử vong. Kinh tế thế giới chao đảo khiến người ta mường tượng cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ quay trở lại. Trong bối cảnh u ám đó, có một thứ còn nguy hiểm hơn cả virus Corona đó là sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các nước lớn dẫn đến chia rẽ thay vì cùng nhau hợp tác dập dịch.
Ngay từ những ngày đầu khi có tin dịch bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, những tin đồn, “thuyết âm mưu” lan rộng trên các mạng xã hội rằng Trung Quốc nghiên cứu phát triển loại virus trên và rồi vô tình để nó rò rỉ, lây lan tại chính nước mình. Những thông tin đồn đoán trên không được kiểm chứng và tới nay cũng chẳng có bằng chứng nào chứng minh cho hành động này.
Tưởng rằng mọi chuyện liên quan tới nguồn gốc của virus sẽ im dần khi Covid-19 giờ không còn là chuyện riêng của Trung Quốc mà đã trở thành một đại dịch mà toàn cầu phải dồn lực đối phó, vậy mà giờ nó lại được khơi lên một cách chính thức, chỉ đối tượng là khác.
Ngày 12-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên đã chia sẻ thông tin trên tài khoản Twitter về thuyết âm mưu cho rằng quân đội Mỹ gây ra đại dịch Covid-19. Để rõ hơn, ông Triệu viết trên tweet bằng cả tiếng Anh và tiếng phổ thông Trung Quốc về việc "bệnh nhân số 0" trong đại dịch Covid-19 rất có thể phát sinh từ Mỹ chứ không phải từ T.P Vũ Hán của Trung Quốc.
Ông viết: “Có thể quân đội Mỹ đã đem dịch bệnh tới Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công khai những dữ liệu của quý vị! Mỹ nợ chúng tôi lời giải thích". Vì ông Triệu là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nên nội dung này đã được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội.
Dĩ nhiên, dù ông Triệu dùng từ “rất có thể” thì cũng chẳng có bằng chứng nào được đưa ra về việc quân đội Mỹ đem dịch bệnh tới Vũ Hán. Dù vậy, quan hệ Trung - Mỹ cũng lại bị dội thêm một gáo nước lạnh nữa trong lúc cuộc thương chiến Mỹ - Trung chưa đi tới hồi kết.
Miếng trả miếng, chính quyền Mỹ ngày 13-3 triệu tập Đại sứ Trung Quốc tới để phản ứng. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương, ông David Stilwell đã trao công hàm phản đối nghiêm khắc với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải. Giải thích hành động này, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nhận định: "Trung Quốc đang tìm cách làm chệch hướng dư luận chỉ trích với nước này về vai trò của họ trong việc gây ra một đại dịch toàn cầu và không thông báo với thế giới". Quan chức này còn nhấn mạnh: "Việc phát tán những thuyết âm mưu là rất nguy hiểm và lố bịch. Chúng tôi muốn cảnh báo Chính phủ (Trung Quốc) là chúng tôi sẽ không dung thứ điều đó, vì lợi ích của người dân Trung Quốc và thế giới".
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Thôi Thiên Khải đã bày tỏ một phong cách xử lý sự việc điềm đạm hơn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Một ngày trước khi bị triệu tập, ông Thôi Thiên Khải viết lên Twitter bày tỏ quan điểm Trung Quốc hy vọng sẽ hợp tác chặt với Mỹ để chống dịch Covid-19 vì "một tương lai chung thịnh vượng hơn". Thế nhưng, thông điệp của ông Thôi Thiên Khải cũng khó có thể xóa đi một thực tế về sự nghi kỵ và chĩa rẽ sâu sắc giữa hai cường quốc.
“Virus nghi kỵ” và chia rẽ từ lâu đã ngăn cản những nỗ lực toàn cầu về kinh tế, an ninh, ngoại giao. Giờ đây, trong cuộc chiến chống Covid-19, con virus này lại tiếp tục ăn mòn những nỗ lực chung, gây nghi ngờ, mất niềm tin giữa các quốc gia. Chừng nào chưa có vaccine cho loại virus này, Covid-19 hay những loại bệnh dịch khác còn tiếp tục gây ảnh hưởng hơn nữa với hành tinh của chúng ta.
Ngọc Hưng