Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Gia Lai.

(Báo tháng 8) - Chiếc comanca của Quân đoàn 3 chạy trong đêm, đưa tôi từ Pleiku, theo đường 19, xuống ga Diêu Trì, lúc 1 giờ sáng. Đây là điểm đầu của con đường nổi tiếng này. Không may, tàu hỏa ra Bắc chậm 2 tiếng! Đi cùng tôi là một sĩ quan thuộc Nhà văn hóa Quân đoàn - Đại úy Đỗ Tiến Thụy và đồng chí lái xe.

Thực ra, hai người bạn đường mà tôi vừa kể, nhận lệnh Quân đoàn hộ tống tôi cùng anh trai tôi, anh Đỗ Trung Cẩn, xuống ga Diêu Trì và chỉ được quay về đơn vị sau khi anh em tôi đã lên tàu ra Bắc.

Vì tàu chậm những 2 tiếng, tức là tới 3 giờ sáng, chúng tôi mới có thể chia tay nhau, chúng tôi chọn một quán bia nhỏ bên ga, dùng một chút cho lại sức và đợi tàu.

Vừa định nâng ly, Đỗ Tiến Thụy kêu lên:

- Không được! Chúng ta không thể chạm ly mà thiếu bác Cẩn.

Rồi không để tôi kịp nói gì, Thụy ra xe, nâng anh tôi bằng hai tay, đưa vào quán, đặt lên chiếc ghế nhựa bên bàn.

- Thế là tròn mâm bốn - Thụy khẽ nói.

Tôi rơi nước mắt. Anh Cẩn của tôi đó. Anh hai của tôi đó. Bây giờ, anh nằm gọn trong một chiếc túi du lịch, sau một lớp ni lông và một lớp vải liệm!

Phải, anh tôi hy sinh ngày 28-3-1971 ở Tây Nguyên, lúc tròn 30 tuổi. Anh nhập ngũ năm 1965 và “đi B” cùng năm. Bây giờ, gần sáng ngày 26-3-1999, tại Diêu Trì, sau 28 năm trời, nhờ Quân đoàn 3 giúp đỡ, tôi mới có thể đưa hài cốt anh trai mình về quê và mới được chạm ly với anh, trong hoàn cảnh ấy!

Thế là cứ mỗi một lần nâng ly, chúng tôi lại cùng chạm vào ly của anh tôi rồi mới tiếp tục. Mắt ai cũng đỏ hoe.

Đến một lúc, không thấy ai rót bia nữa! Gọi, chỉ có cô chủ quán rón rén và run rẩy tới bên bàn. Cô ấy bảo:

- Các em chúng nó nhìn các bác chạm ly mà hãi quá, không đứa nào dám ra nữa! Em cũng thế, nhưng vì các bác gọi mà phải ra vậy! Thật sự là thế nào, các bác ơi!

Khi ấy, tôi đành phải đứng lên và nói rõ hết sự tình rồi có lời:

- Sự thực là như vậy. Nếu nhà hàng sợ quá, chúng tôi xin được dời đi. Còn nếu nhà hàng thông cảm, tôi xin được thắp một nén nhang khấn anh tôi, để anh phù hộ cho nhà hàng ta luôn phát đạt.

Cô chủ quán đáp:

- Chưa biết thì chúng em rất sợ. Giờ biết rồi, không sợ quá nữa. Các bác cứ ngồi cho đến lúc tàu về.

Y hẹn, tôi châm một nén nhang, theo gót cô chủ quán, cắm lên bát hương cầu lộc của nhà hàng.

Tàu về, tôi chia tay Thụy và đồng chí lái xe, lên tàu cùng hài cốt của anh mình, ra Bắc. Sáng sớm ngày 28-3-1999, tàu về đến ga Hàng Cỏ. Do đã điện trước, vợ tôi đón sẵn ở đó và chúng tôi thuê xe đưa hài cốt anh mình về quê - về xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Cũng do điện trước, khi chúng tôi về đến nơi, tại sân vận động xã, các vị lãnh đạo “Quân - Dân - Chính - Đảng” và đông đảo đồng bào Phùng Xá đã chờ sẵn, tiến hành lễ truy điệu và đón anh tôi vào Nghĩa trang liệt sĩ xã. Kỳ lạ nhất là khi đồng chí Chủ tịch xã đọc xong điếu văn truy điệu, nói rõ ngày tháng, tôi mới biết, hôm ấy cũng là ngày (dương lịch) anh tôi hy sinh! Trước đó, theo tập tục cúng giỗ dân gian, trong đầu tôi chỉ nhớ ngày âm lịch (mùng 3 tháng Ba) thôi. Và rồi bỗng nhiên, toàn bộ hương trên chiếc lư lớn như chiếc vạc, cùng bốc cháy, cháy hết cả chân hương, cháy đến bằng mặt cát! Anh tôi giờ mới thực về chăng?

Nhiều năm trước, cha mẹ tôi không thể chờ anh tôi và đã khuất núi. Bây giờ, chắc dưới suối vàng, cha mẹ tôi đã có thể bớt ngậm ngùi.

*

Sau này, Đỗ Tiến Thụy trở thành một nhà văn quân đội. Nhiều năm nay anh chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở Hà Nội và vừa nhận quân hàm Thượng tá. Tôi cũng đã là một Đại tá về hưu nhiều năm. Cứ đến ngày 27-7 hằng năm, tôi lại không thể không nhớ Quân đoàn 3, con đường 19 và ga Diêu Trì được.

Khi bốc mộ anh Cẩn, tôi có thắp hương, đọc rồi đốt hai bài thơ tôi viết tại Nghĩa trang liệt sĩ Pleiku trong những ngày chờ được phép di dời hài cốt anh mình. Hai bài thơ ấy có tựa đề: Thơ viết ở Nghĩa trang liệt sĩ Pleiku, Gia Lai và Thơ bên mộ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn ở Nghĩa trang liệt sĩ Pleiku, Gia Lai. Một bài viết về toàn thể 3.000 ngôi mộ liệt sĩ ở đó (có 3 ngôi mộ tập thể!) và một bài viết riêng cho anh Cẩn của tôi. Theo nhật ký của bác sĩ Lê Cao Đài - người mở ra Bệnh viện Tây Nguyên thời chống Mỹ, thì trong tổng số thương bệnh binh nhập viện và không thể cứu nổi ở đây, chỉ có 15% hy sinh trực tiếp vì bom đạn. 85% liệt sĩ còn lại, hy sinh vì rất nhiều lý do khác như là: Sốt rét, đói, tai nạn đường rừng... Trong đó, nhiều nhất là vì sốt rét!

Đỗ Trung Lai

Thơ viết ở Nghĩa trang liệt sĩ Plâyku, Gia Lai

Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ trắng một màu như mây

Mây trên ấy còn bay muôn thuở

Ba ngàn nay đã bỏ tay chèo

Ba ngàn mãi mãi buông neo

Ba ngàn mãi mãi nằm theo đội hình

Ba ngàn phận, tình ba ngàn khối

Vọng cố hương từ cuối chân trời

Ai người cha mẹ khuất rồi?

Ai người vợ góa con côi đến giờ?

Ai ngã lúc mịt mờ lửa đạn

Còn vùng lên trao bạn lá cờ?

Ai người lạc nước sa cơ

Mười năm thao lược, một giờ buông tay?

Ai đi nhẹ như mây như khói?

Ai đi sau cơn đói dài ngày?

Ai vì sốt rét về đây?

Ai vì lở đá, đổ cây giữa rừng?

Ai vượt thác nửa chừng cạn sức?

Ai bờ khe mép vực sa chân?

Ai người số phận xoay vần

Hùm xanh, báo trắng, voi thần đem đi?

Ai đã chẳng tiếc gì máu nóng

Bỏ thân mình cho sống bạn mình

Rồi đi, không ảnh không hình

Đem sinh mệnh đúc khối tình tặng nhau?

Những ai nghỉ cùng sâu một mộ

Biết tìm đâu cho đủ hình hài?

Chẳng sinh từ một bào thai

Ôm nhau, cốt nhục Đông- Đoài xá chi

Những ai kịp thầm thì trăng trối

Phút cuối cùng đứt nối lời thiêng?

Ai người lịm tắt trong đêm

Nằm im trên võng mà quên cuộc đời?

Ai người mười tám, đôi mươi?

Ai người tóc bạc? Ai người hoa râm?

Ai là cán? Ai là quân?

Bây giờ trắng xóa quây quần bên nhau.

Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ, trắng một màu như mây.

Thơ bên mộ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn ở Nghĩa trang liệt sĩ Plâyku, Gia Lai

Ước gì anh lên đây được

Ngồi nghe em kể chuyện nhà

Ước gì anh lên đây được

Nói cười như những ngày xa

Cha mẹ chúng mình đã khuất

Không ai chống được tuổi già

Anh em yên bề gia thất

Mình anh nhân ảnh nhạt nhòa

Đồng làng giờ ba bốn vụ

Cơm làng thôi độn khoai ngô

Thế mà ngày anh đánh giặc

Lội rừng, lấy sắn làm no

Giờ vải lụa đâu nhiều quá

Làng mình thưa tiếng thoi đưa

Né kén nong tằm cũng ít

Làm nhiều, hàng bán ai mua?

Sông Đáy trước nhà vẫn thế

Mùa này nước màu xanh lơ

Cá tôm càng ngày càng hiếm

Ít ai cất vó đặt lờ

Mỗi bận về sông thấy cát

Em thường nhớ anh ngày xưa

Cao lớn, lông mày lưỡi mác

Sải tay bơi giữa hai bờ

Anh của em là thế đấy

Chỉ thích những con sông đầy

Để lao mình vào nước xiết

Thách cả trời cao đất dày

Bây giờ trời cao đã thắng

Vùi anh vào lòng cao nguyên

Bây giờ đất dày ba thước

Làm sao đưa được anh lên?

Bây giờ em ngồi bên mộ

Dưới lòng đất đỏ là anh

Trên trời, mây bông trắng nõn

Nhởn nhơ trông rất hiền lành

Thế mà lòng trời thuở ấy

Còn sâu hơn ngàn vực sâu

Ngày nào cũng đầy khói lửa

Đêm nào cũng đầy hỏa châu

Từ nay em không tin nữa

Rằng lượng trời rộng vô cùng

Trời mang bao người rất trẻ

Về nơi vô thủy vô chung

Vẫn biết vào cơn gió bụi

Xưa nay mấy kẻ trở về

Vẫn biết các nhà liệt sĩ

Đều vì lẽ sống mà đi

Nhưng trước nấm mồ ruột thịt

Em như người đứt cánh tay

Xin liệm thêm vào dưới ấy

Của em, lời xót thương này!