Tư duy mới và nguyên tắc cơ bản
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Chúng ta cần có những cách nhìn mới, đánh giá mới, phân tích mới trong chính sách, đặc biệt là đối ngoại, chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của công dân Nga và đồng bào ở nước ngoài. Đồng thời, vẫn cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại mới không thay đổi. Trước hết, đó là sự cởi mở, khả năng dự đoán trước, tập trung vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tất nhiên, không có bất kỳ cuộc đối đầu nào”.
Tổng thống Putin nêu rõ, quan điểm đổi mới này được soạn thảo trên cơ sở có tính đến những thay đổi xảy ra trên thế giới trong thời gian vừa qua, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu làm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới, cùng với tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Ông Putin tuyên bố, Nga đang và sẽ thực hiện một chính sách đối ngoại tích cực và xây dựng nhằm tăng cường vị thế, uy tín và trách nhiệm của Liên bang Nga trên trường quốc tế.
Bảo vệ lợi ích và không có đối đầu.
Theo các nhà phân tích, quan điểm “bảo vệ lợi ích quốc gia, không có bất kỳ cuộc đối đầu nào” của Tổng thống Putin đã được hình thành ngay từ cuối năm 2012. Trong Văn kiện “Khái niệm chính sách đối ngoại Nga” đã chỉ rõ: Nga xây dựng mối quan hệ quốc tế của mình trong bối cảnh thế giới bất ổn hiện nay. Trong số những điểm chính bao gồm “an ninh không thể chia cắt cho tất cả các nước và không được sử dụng siêu vũ lực”. Văn kiện còn cho rằng, thái độ thiếu tôn trọng đối với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế sẽ dẫn đến bất ổn trong quan hệ giữa các quốc gia.
Trên tổng thể, khái niệm cũng nêu rõ, Nga sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia bằng cách tham gia hiệu quả hầu hết các hoạt động trong nền chính trị thế giới nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đồng thời, Moscow sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc. Nga cố gắng hiểu và tôn trọng lợi ích của các đối tác, nhưng yêu cầu họ cũng phải tôn trọng lợi ích của Nga.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giảm vai trò của Liên hợp quốc và những thách thức như khủng bố và buôn bán ma túy xuyên biên giới… Trong những trường hợp này, Nga, với tiềm năng địa chính trị độc đáo có thể đóng vai trò “ổn định” trong nền chính trị quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.
Trong thực tế, Nga hội nhập với các nước trong không gian hậu Xô viết không loại trừ các mối quan hệ gần gũi với các nước lớn khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh, châu Phi và EU.
Tuy nhiên, trọng tâm của quan điểm đổi mới của Nga vẫn là việc bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và xây dựng nước Nga hiện đại. Quan điểm đối ngoại đổi mới này còn chú trọng việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người Nga ở nước ngoài.
**Ngoại giao kinh tế và tôn trọng luật pháp **
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nga sẽ tích cực sử dụng phương thức ngoại giao kinh tế, trong các công việc quốc tế, trên cơ sở ủng hộ và bảo vệ vai trò trọng tâm của Liên hợp quốc cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế khi hành động phối hợp với các đối tác một cách bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Nói về công nghệ chính sách đối ngoại thì điều nói trên được xác định như là “sức mạnh mềm”, bao gồm tổng hòa tất cả các công cụ hỗ trợ khả năng của các tổ chức xã hội dân sự, thông tin và truyền thông, nhân văn, có thể thay thế các phương pháp ngoại giao cổ điển khác.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc gặp chiều ngày 15-2 với các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Tổng thống Putin cũng khẳng định trên cương vị Chủ tịch G-20 trong năm nay, Nga sẽ ưu tiên cho công tác bảo đảm tăng trưởng cân đối và tạo việc làm mới cũng như khuyến khích đầu tư. Tổng thống Putin cho rằng, thách thức chủ yếu đang đặt ra đối với G-20 là bước chuyển từ việc thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng ngắn hạn sang thực thi các nhiệm vụ dài hạn.
Hướng Đông vẫn là một ưu tiên
Ông Putin cho biết, ưu tiên hàng đầu của Nga để phát triển trong tương lai sẽ vẫn là ở phía Đông. Ông nói: “Trong thế kỷ 21, hướng phát triển của Nga là phía Đông. Siberia và vùng Viễn Đông là tiềm năng to lớn của Nga, đây là cơ hội để có được một vị trí thích đáng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, Nga có hơn 70% diện tích đất nằm ở châu Á. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga. Để thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp và tăng trưởng sáng tạo, Nga cần các quốc gia châu Á về vấn đề công nghệ, nhân lực và thị trường năng lượng.
Ông Putin gọi châu Á – Thái Bình Dương là “khu vực năng động nhất” thế giới, và cho biết nước Nga sẽ phát triển xa hơn nữa về vùng Viễn Đông để hòa nhập với thế giới phương Đông.
Khi nói về các mối quan hệ với thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổng thống Nga ủng hộ khu vực tự do mậu dịch trong khuôn khổ của CIS. Ngoài ra, ông cho biết, công dân các nước thuộc Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất sẽ được vào Nga dễ hơn sau năm 2015.
Như vậy, trên cơ sở kiên định mục tiêu có tính nguyên tắc về lợi ích của Liên bang Nga, Tổng thông Putin đã có những luận điểm và cách tiếp cận mới về chính sách đối ngoại nhằm nâng cao vị thế, uy tín và trách nhiệm của Nga trên trường quốc tế. Vì thế, dư luận đang kỳ vọng vào sự đóng góp của Nga cho hòa bình, ổng định và phát triển thế giới.
Theo NDĐT (TH)