Cảnh sát Pháp yêu cầu người dân rời bãi biển Pornichet sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực ngày 17/3. Ảnh: Reuters
Nhiều quốc gia đã áp dụng các hình thức từ phạt tiền đến truy tố hình sự đối với những người vi phạm các biện pháp đối phó dịch COVID-19.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang căng mình đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra, chỉ cần một cá nhân trốn cách ly, không khai báo y tế, lan truyền tin giả, cố tình lây nhiễm cho người khác cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều quốc gia đã áp dụng các hình thức từ phạt tiền đến truy tố hình sự đối với những người vi phạm các biện pháp đối phó dịch COVID-19.
Vi phạm lệnh phong tỏa
Tại Italy – quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, người vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc phải đối mặt với mức án 3 tháng tù giam hoặc xử phạt hành chính 206 euro (khoảng 5,3 triệu đồng). Đêm 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh mở rộng các biện pháp phong toả ra toàn bộ đất nước 60 triệu dân. Tính đến sáng 28/7, Italy ghi nhận 86.498 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 9.134 ca tử vong.
Trong khi đó, tại Pháp, chỉ trong hai ngày kể từ khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ 17/3, ít nhất 4.095 người đã bị phạt tiền vì vi phạm quy định. Cảnh sát cho biết các mức phạt dao động từ 35 euro (900.000 đồng) cho đến 375 euro (9,7 triệu đồng). Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner khẳng định: “Quy định không nhằm mục đích xử phạt người dân mà là một cách để bảo vệ họ”.
Không phạt tiền, cảnh sát Ấn Độ nghĩ ra hình thức xử phạt lạ đối với những người vi phạm lệnh giới nghiêm áp dụng cho quốc gia 1,3 tỷ dân. Nhằm răn đe đối với những người rời khỏi nhà trong giờ giới nghiêm, cảnh sát quận Kalaburagi (bang Karnataka) đã yêu cầu người vi phạm dọn rác trên đường, chống đẩy, hít đất.
Trốn lệnh tự cách ly
Ngày 25/3, giới lập pháp Nga đã đề xuất áp dụng các hình phạt nghiêm khắc, trong đó có mức án lên đến 7 năm tù, đối với những người vi phạm các quy định cách ly ngăn ngừa dịch COVID-19. Theo đó, người vi phạm có thể nhận án phạt hành chính từ 500.000 đến 2 triệu rubble (590 triệu đồng). Hoặc nghiêm trọng hơn, nếu hành vi vi phạm khiến một người tử vong hay cố tình lây nhiễm bệnh cho nhiều người, đối tượng vi phạm có thể đối mặt với án tù 5 đến 7 năm.
Tại Litva, hồi đầu tuần, Bộ Tư pháp nước này cũng đưa ra dự thảo sửa đổi lập pháp để trừng phạt nghiêm khắc hơn những người vi phạm lệnh cách ly. Theo dự thảo sửa đổi, những người không tự cách ly sau khi trở về từ nước ngoài sẽ phải chịu các cáo buộc hình sự với mức án lên đến một năm tù. Đối với những vi phạm nhẹ hơn, cảnh sát có thể xử phạt hành chính dao động từ từ 500 Euro (12 triệu đồng) đến 1.500 Euro (39 triệu đồng) đối với các cá nhân và từ 1.500 Euro đến 6.000 Euro (155 triệu đồng) đối với các doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Chính phủ Hàn Quốc ngày 25/2 cảnh báo sẽ trục xuất những người nước ngoài hoặc phạt tù người dân trong nước nếu như vi phạm lệnh cách ly 14 ngày. Theo đó, người Hàn Quốc cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến một năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (191 triệu đồng). Đối với nhóm người nước ngoài, họ sẽ bị trục xuất về nước.
Tại Israel, những người trở về từ nước ngoài nếu như vi phạm lệnh tự cách ly bắt buộc có thể lĩnh án lên tới 7 năm tù. Nếu như vô tình vi phạm, mức án có thể giảm xuống còn 3 năm.
Khai báo y tế gian dối
Tại Singapore, khai báo y tế gian dối là hành vi vi phạm Đạo luật Bệnh truyền nhiễm của nước này. Người vi phạm sẽ chịu mức phạt hành chính lên tới 10.000 đôla Singapore (166 triệu đồng) một người hoặc 6 tháng tù giam, hoặc chịu cả hai hình phạt. Trước đó, vào cuối tháng Hai, một cặp vợ chồng người Trung Quốc đã phải ra hầu toà sau khi khai báo sai lịch trình di chuyển trước đó với Bộ Y tế, cản trở công tác theo dõi dấu vết bệnh dịch và gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng.
Nhằm nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19, đầu tháng Ba, Saudi Arabia thông báo sẽ phạt hành chính lên tới 133.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng) đối với người khai báo không chính xác về tình hình sức khỏe cũng như chi tiết lịch trình đi lại.
Lan truyền tin giả
Để ngăn chặn tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, gây hoang mang trên mạng xã hội, ngày 24/3, Quốc hội Philippines đã thông qua đạo luật “The Bayanihan to Heal as One Act”. Theo đó, những người cố tình lan truyền tin giả về dịch bệnh sẽ bị xử phạt 1 triệu peso (455 triệu đồng) hoặc 2 tháng tù giam.
Trong khi đó, công dân Nam Phi nếu cố ý phát tán thông tin gây hoang mang về virus SARS-CoV-2 có thể đối mặt với mức án 6 tháng tù.
Bảo Hà/Báo Tin tức