Việc đầu tư dự án BOT trong ngành giao thông không những không phải là mới mà còn là phổ biến của các nước, nhất là các nước tiên tiến trên thế giới. Trong thực tế nó rất hiệu quả.
Tuy nhiên, với nước ta thì BOT giao thông chỉ “thuần tính” được đôi năm đầu, còn càng về sau BOT giao thông càng “dở chứng”, thậm chí như con ngựa bất kham. Nhất là từ cuối năm 2015 đến đầu quý II năm 2016, việc tăng giá các trạm thu phí đã làm cho người dân nhiều nơi phản đối. Thậm chí đầu tháng 7 vừa qua, cầu Việt Trì còn bị rào chắn, “bắt” người tham gia giao thông phải đi qua đường đầu tư BOT, khiến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải về kiểm tra, chấn chỉnh.
Để bày tỏ thái độ, có nơi người dân đã tràn xuống đường, chặn hai đầu trạm thu phí, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền phải có những biện pháp nhằm tránh gây bất lợi cho người dân. Nghĩa là nhà quản lý không còn cầm cương được nữa, làm cho dư luận nghi ngờ về các dự án đầu tư BOT giao thông không minh bạch. Vì sao BOT giao thông vốn thuần tính lại trái tính, trái nết thành “con ngựa bất kham” như vậy?
Nguyên nhân rất dễ hiểu: Các công ty bỏ vốn ra luôn tìm mọi cách để thu vốn về (thu phí) càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Chính vì thế BOT nói chung, BOT giao thông nói riêng như con dao hai lưỡi, quản lý BOT như cầm cương con ngựa khỏe, nhưng sẵn sàng phản chủ-chỉ cần lơi lỏng là nó trở nên bất kham ngay.
Kinh nghiệm trên thế giới, dự án BOT chỉ có lãi ở các nước có nền công vụ chuyên nghiệp và thị trường tài chính minh bạch.
Khó nhất là xây dựng các điều khoản giữa cơ quan đại diện cho nhà nước (BOT giao thông thì là ngành giao thông) và bên bỏ vốn đầu tư. Nhà đầu tư bao giờ cũng vươn vòi bạch tuộc của mình ra để kiếm lời. Mà vòi bạch tuộc thường hướng vào các điều khoản trước khi ký kết, sao cho càng chung chung, càng lập lờ càng tốt. Ví dụ “thu phí X đồng trong khoảng thời gian Y năm”. Chữ “khoảng thời gian” trong ký kết là chữ “hở” nhất của hợp đồng.
Còn một tế nhị nữa là nếu cán bộ đại diện cho nhà nước lại thông đồng “ăn phần trăm” của bên đầu tư để ký kết hợp đồng thì BOT “ăn đủ”. Chính vì thế mà công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án BOT phải được rất coi trọng, tránh nói, giao nhiệm vụ một cách chung chung mà phải được bảo đảm trách nhiệm bằng pháp luật. Nguyên tắc ở các nước là phải thuê luật sư. Luật sư phải chịu trách nhiệm về các điều luật quy định trong hợp đồng.
Ngày 7-7, tại Trụ sở Chính phủ, chủ trì cuộc họp về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đến năm 2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu cho rằng: Thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên các dự án BOT giao thông lại đang là vấn đề nhức nhối lớn. Tổng vốn đầu tư được lập ở mức rất cao, trạm thu phí mọc lên dày đặc, việc lựa chọn nhà thầu có vấn đề (Phó thủ tướng nhấn mạnh).
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, các hợp đồng BOT giao thông được lập ra với nhiều điều khoản khiến nhà đầu tư trong mọi trường hợp “luôn luôn có lãi”, còn “rủi ro đổ cho người sử dụng”. Bức xúc còn nổ ra trong dư luận, thậm chí đến cả diễn đàn Quốc hội…
Con ông Bùi Danh Liên-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội từng phát biểu, băn khoăn là “nhóm lợi ích” trong việc thực hiện làm méo mó, biến dạng chủ trương thực hiện các dự án BOT giao thông, thậm chí “mở đường” cho tham nhũng…
“Để chống lại điều này, mấu chốt vẫn phải thực hiện cho được công khai minh bạch. Đừng sợ hãi công khai minh bạch như chúng ta vẫn đang sợ” - một đại biểu thẳng thắn nói.
Chính phủ cũng đã bổ sung một số quy định, như nhà đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính trước khi tham gia dự thầu và hợp đồng chính thức giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư chỉ được ký kết khi dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời nhà đầu tư phải góp đủ vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng theo quy định.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định: “Dù là hình thức đầu tư nào để hoàn thành nhiệm vụ cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết”.
Đúng thế, không đặt lợi ích người dân lên trên hết và không công khai minh bạch thì BOT sẽ là “con ngựa bất kham”.
Từ Tâm