Đây là quy định cần thiết, nhằm giữ vững bản chất tốt đẹp của Đảng ta. Thế nhưng chỉ sau 2 ngày Quy định 102 ban hành, một số kẻ mang danh “Người tử tế” điển hình như tác giả có tên là Kami, viết đăng trên Đài Á châu Tự do, xuyên tạc bản chất văn kiện này để bình luận theo ý đồ của họ, mà mục đích là để bôi nhọ Đảng ta, cổ súy cho những quan điểm sai trái.
Kami viết: “Những đảng viên nào đòi thực hiện “thể chế xã hội dân sự”… sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng”. Nguyên văn Mục b, Khoản 2, Điều 7, Chương II trong Quy định 102, Đảng ta quy định kỷ luật những đảng viên “Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".
Phần bị cắt trong Quy định đã làm mất hẳn thành phần chính ý nghĩa trong câu (mệnh đề), biến “xã hội dân sự chính trị phi pháp” thành “xã hội dân sự” chung. Trong thực tế xã hội nước ta đang có hàng nghìn các tổ chức xã hội - xã hội dân sự, như: Hội người mù, Hội làm vườn, Hội cây cảnh, Hội Người cao tuổi…
Đảng Cộng sản Việt Nam không cấm những đảng viên tham gia các tổ chức xã hội dân sự cộng đồng, mà chỉ những đảng viên đòi thực hiện thể chế xã hội dân sự chính trị phi pháp mới vi phạm Điều lệ Đảng.
Cũng cùng giọng điệu với Kami, một số “người tử tế” khác thì “chẻ” câu chữ, bình luận tính từ “định hướng XHCN” trong quy định một cách gượng ép, chủ quan. Họ viết: “Ở Việt Nam lâu nay, khái niệm nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường luôn bị gắn thêm cái đuôi XHCN”. Vì thế các khái niệm này đã bị biến dạng và trở thành Nhà nước độc quyền XHCN”
Trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình chế độ chính trị và nhà nước. Chẳng hạn như chế độ Cộng hòa Tổng thống, chế độ Cộng hòa Đại nghị, chế độ Dân chủ nhân dân, chế độ Quân chủ (do nhà vua đứng đầu), có nhiều nước dựa trên một tôn giáo (còn gọi là Quốc đạo). Ở đó các giáo sĩ, tăng lữ giữ vai trò quyết định về nhiều mặt, kể cả chính trị, xã hội…
Còn trên lĩnh vực kinh tế, hiện nay không có mô hình “chuẩn” cho cộng đồng quốc tế. Về mặt lý luận, không có nền kinh tế nào “không có đuôi” - theo cách viết của một số kẻ xấu. Chẳng hạn các nước Bắc Âu là nền “kinh tế thị trường xã hội”; Anh, Mỹ là nền “kinh tế thị trường tự do”; Trung Quốc là “kinh tế thị trường XHCN”...
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước của Việt Nam không có gì thật đặc biệt, nhưng cũng không phải là mô hình kinh tế “méo mó” như cổ súy của một số người “ăn theo nói leo” thế lực thù địch cách mạng nước ta.
Một dân tộc lựa chọn chế độ chính trị-xã hội nào, mô hình nhà nước nào; xây dựng nền kinh tế với đặc trưng như thế nào tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhân dân do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước đó quyết định (ở Việt Nam là Quốc hội), tuyệt nhiên không có mô hình “chuẩn”, không có “khuôn mẫu” chung cho cộng đồng quốc tế và thực tế hàng trăm năm qua cho thấy không có mô hình nào “mười phân vẹn mười”.
Bởi vậy, việc họ xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam nếu không phải là một thủ đoạn chính trị xấu xa thì cũng chỉ là lý lẽ của những kẻ “ếch ngồi đáy giếng” về tri thức.
Quy định 102 ra đời từ sự đòi hỏi của thực tế mà Đảng ta, Nhà nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội mới và những thách thức mới. Về thách thức, đáng chú ý là tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống, tình trạng lạm dụng quyền lực để tham nhũng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Để bảo vệ Đảng đương nhiên phải có những quy định mới phù hợp.
Quy định 102 là cơ sở chính trị-pháp lý của nội bộ Đảng để răn đe và xử lý những trường hợp đã vi phạm nhưng chưa bị xử lý do thiếu, hoặc chưa đủ, khẳng định quyết tâm “chỉnh đốn Đảng” của Đảng ta, nhằm giữ vững bản chất tốt đẹp của Đảng cầm quyền như lời day của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ Quy định 102 của những kẻ xấu là nhằm âm mưu xóa bỏ chế độ xã hội do Đảng ta lãnh đạo, xóa bỏ nền kinh tế độc lập tự chủ của Nhà nước ta…; ít ra cũng nhằm kìm hãm sự phát triển của xã hội… từng bước đẫn đến khủng hoảng sụp đổ chế độ.
Những thủ đoạn đóng vai “người tử tế”, “người yêu nước, thương dân” của những kẻ xấu không thể che mắt được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
TS. Cao Đức Thái