Không phải ngẫu nhiên mà hồi tháng trước nước Nga lại chọn đón các nguyên thủ APEC ở thành phố biển Vla-đi-vô-xtốc. Trong nhiều thời điểm, Nga gần như đã lãng quên phía Đông. Thương mại với châu Á của Nga chỉ hơn 16 tỷ USD trong nội khối APEC. Mặc dù 2/3 lãnh thổ Nga nằm ở châu Á, song chưa đầy 1/4 kim ngạch thương mại của nước này đến từ giao dịch với khu vực so với 50% đến từ châu Âu.

Rõ ràng, để đạt mức tăng trưởng cao trong tương lai, nước Nga cần phải đứng trên đôi chân mạnh, một chân ở châu Âu và chân kia ở châu Á. Tuy nhiên, hiện nay Liên minh châu Âu (EU) chiếm tới 50% ngoại thương của Nga so với chưa đầy 20% của các nền kinh tế APEC, mà trong đó chủ yếu tập trung vào 4 nước: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nga đang phấn đấu đạt 50% trao đổi thương mại với châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD).

Quả thực, Nga gia nhập APEC vào năm 1998, nhưng sự hiện diện của nước này trên thị trường CA-TBD vẫn còn khá khiêm tốn: thị phần của Nga trong thương mại với APEC không vượt quá 1,5%. Crem-lin cũng muốn thu hút các doanh nghiệp CA-TBD để phát triển Viễn Đông và Đông Xi-bê-ri làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc là nhà nhập khẩu chính các nguồn tài nguyên Xi-bê-ri và hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Nga.

Có thể nói, nước Nga đang cần một nơi để thay thế cho châu Âu trì trệ. Cho dù nền kinh tế châu Á cũng đang phát triển chậm lại, nhưng vẫn còn tốt hơn châu Âu. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng ở châu Á năm nay sẽ là 6,6% so với 0,7% suy thoái ở châu Âu. Vì thế, nước Nga đang và sẽ nỗ lực hết mình để thay đổi trọng tâm chính sách ngoại giao và thương mại của mình từ Âu sang Á. Nga đã công bố kế hoạch xây dựng một hành lang vận chuyển giữa Đông Bắc Á và châu Âu bằng đường sắt chính xuyên qua Xi-bê-ri và bằng đường biển dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga. Chỉ riêng tuyến đường sắt đã có thể xử lý 10% lượng hàng hóa hiện đang vận chuyển qua kênh đào Xu-ê. Nếu các nước APEC đầu tư khoảng 20-30 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông của nước này, họ có thể tiết kiệm được 600 tỷ USD vào năm 2020.

Có thể thấy, Nga đang cố gắng bắt kịp sự đổi thay bằng việc thúc đẩy thương mại với Trung Quốc lên mức 80 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn mức 50 tỷ USD với Đức hay 34 tỷ USD với Mỹ. Hai nước cũng đặt mục tiêu đạt 200 tỷ USD vào năm 2020. Thương mại với Hàn Quốc cũng đã tăng gấp 3 lần, đạt gần 18 tỷ USD từ năm 2005 đến năm 2010 và tăng gấp đôi với Nhật Bản (23 tỷ USD). Xuất khẩu tới Nhật Bản chắc chắn sẽ còn tăng nữa vì nhu cầu nhập khẩu dầu và khí gas của Nhật để bù vào lượng thiếu hụt do năng lượng hạt nhân. Nga cũng sắp hoàn thành đường ống dẫn dầu xuyên Xi-bê-ri tới điểm cuối là cảng cực Đông Cô-di-mi-nô gần Nhật Bản, tạo điều kiện xuất khẩu dễ dàng hơn. Nước này cũng đang dự định thúc đẩy an ninh lương thực khu vực bằng việc tạo ra một hành lang ngũ cốc Viễn Đông. Các nhà xuất khẩu ngũ cốc ước đoán, Nga sẽ có thể vận chuyển 10 -15 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm tới Đông Nam Á thông qua các hải cảng ở TBD của mình với điều kiện các cơ sở hạ tầng cần thiết được xây dựng và các quy định thương mại được đơn giản hóa...

Hơn nữa, Nga và Trung Quốc đang hợp tác gần gũi hơn về các vấn đề chính sách đối ngoại, bao gồm cả Xi-bê-ri. Nga cũng là thành viên của đàm phán 6 bên do Trung Quốc làm chủ nhà liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên... Tuy nhiên, dù cho những lời tốt đẹp được nói ra, quan hệ ngoại giao không phải lúc nào cũng nồng ấm. Nga vẫn đang tranh chấp với Nhật tại một số hòn đảo. Điều đó không có nghĩa là Nhật sẽ ngừng mua dầu và khí đốt của Nga, nhưng nó có nghĩa là ít khả năng Nhật sẽ đầu tư lớn vào vùng Viễn Đông của Nga. Mặt khác, Mát-xcơ-va cũng chưa thể hiện việc làm của mình khiến các nhà đầu tư tự tin. Ví như Mít-xui và Mít-xu-bi-si vẫn đang chỉ trích Gát-prôm đã lấy đi doanh nghiệp dầu khí Xa-kha-lin mà họ đã đầu tư cùng Shell chẳng hạn... Vậy nên, dù thế nào, Nga cũng còn rất nhiều việc phải làm khi đang hướng mạnh về phía Đông với những thay đổi tích cực.

Thanh Lâm