Vào thời điểm dư luận tập trung nhiều vào tình hình chiến sự căng thẳng tại Xy-ri, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi các thượng nghị sĩ Mỹ lại dành sự quan tâm đối với I-ran. Tại sao lại như vậy?

Nếu tính cả lệnh trừng phạt mà Thượng viện Mỹ mới thông qua ngày 30-11, đây là lệnh trừng phạt thứ 3 mà Mỹ ban hành đối với I-ran trong năm nay. Theo lệnh trừng phạt mới, Mỹ sẽ có biện pháp đáp trả các các ngân hàng nước ngoài có quan hệ làm ăn với I-ran trong các lĩnh vực như vận tải, đóng tàu và năng lượng mà Mỹ cho rằng có khả năng hỗ trợ các nỗ lực của I-ran.

Lệnh trừng phạt mới này cũng nhằm vào bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào tiến hành các giao dịch tài chính nhằm giúp Chính phủ I-ran thực hiện các giao dịch về than và các kim loại quý khác. Các quốc gia đã cắt giảm đáng kể việc mua dầu thô từ I-ran thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của các biện pháp trừng phạt mới này.

Rõ ràng, việc Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran là nhằm gia tăng sức ép đối với chương trình hạt nhân của nước này. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế dự định sẽ có cuộc đàm phán với I-ran vào ngày 13-12 tới, đồng thời nhóm P5+1 (gồm 5 nước uỷ viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cũng đang đề đề xuất tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran vào nửa đầu tháng 12 này, lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây sức ép với I-ran trong các vòng đàm phán sắp tới.

Lệnh trừng phạt của Mỹ và một số nước phương Tây đang ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội tại I-ran. Do vậy, một lệnh trừng phạt mới sẽ càng làm cho đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp ở I-ran thêm phần khó khăn, tạo ra sức ép với chính phủ nước này. Trong bối cảnh đó, Tê-hê-ran sẽ phải nhận thức được rằng cần nhượng bộ tại các cuộc đàm phán sắp tới nếu không muốn làm người dân nước này giận dữ.

Có thể nói, nguyên nhân trực tiếp khiến Oa-sinh-tơn đẩy mạnh sức ép với Tê-hê-ran trong giai đoạn hiện nay là do tình hình Xy-ri. Hiện I-ran là một trong số ít các quốc gia vùng Vịnh đang ủng hộ Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát. Một số nước phương Tây còn cho rằng, I-ran cung cấp vũ khí lẫn binh lính giúp tổng thống Xy-ri chiến đấu chống lại lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn. Chính vì thế, việc Oa-sinh-tơn siết chặt lệnh cấm vận với Tê-hê-ran và thậm chí là gây sức ép nhằm thúc giục Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và nhóm P5+1 nối lại các cuộc đàm phán với I-ran cũng là nhằm khiến nước này đáp ứng yêu cầu mà các bên đàm phán đưa ra. Đồng thời, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn do lệnh trừng phạt thì sự giúp đỡ dành cho Xy-ri sẽ giảm đi. Theo đó, Mỹ và một số nước phương Tây sẽ dễ dàng lật đổ tổng thống Xy-ri.

Như vậy, những sức ép mà Mỹ đang ngày càng gia tăng đối với I-ran là một mũi tên có hai đích. Nó không chỉ khiến I-ran phải tăng cường hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhằm công khai chương trình hạt nhân của mình mà còn gián tiếp giúp một số nước phương Tây thực hiện kế hoạch lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát.

Thanh Lâm