Sáu gương mặt tranh cử nhưng người ta chỉ quan tâm đến ba gương mặt nổi trội là đương kim Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di thuộc phe trung hữu, ông Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ thuộc Đảng Xã hội và bà Ma-rin Lơ Pen thuộc phe cực hữu. Kết quả vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23-4 với thắng thế nghiêng về ứng cử viên Ô-lăng-đơ của Đảng Xã hội đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và coi đây là sự trở lại của lực lượng cánh tả ở châu Âu.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra giữa bối cảnh người dân nước này đang rất bất mãn với cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro và tỷ lệ thất nghiệp cao tại các nước thành viên. Trong tình hình đó tổng thống đương nhiệm Xác-cô-di thuộc phe trung hữu đã ráo riết hoạt động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Ông nói với cử tri Pháp rằng chỉ có ông mới có thể duy trì một “nước Pháp hùng mạnh” và vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Tuy nhiên ông đang đối diện với thách thức nghiêm trọng từ ứng cử viên Ô-lăng-đơ của Đảng Xã hội. Thông điệp của ông Ô-lăng-đơ đưa ra là đã đến lúc cánh tả lên nắm quyền”. Với mục đích thổi “luồng gió mới” cho nước Pháp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ông kêu gọi khôi phục trật tự trong ngành tài chính công của Pháp, kêu gọi châu Âu hành động để thúc đẩy tăng trưởng nhằm đối phó với khủng hoảng; cương lĩnh tranh cử đề cập tới việc giảm nợ công của Pháp xuống dưới 3% GDP; giảm tỷ lệ thất nghiệp; tăng mức thuế lên 75% đối với giới thượng lưu kiếm được trên 1,3 triệu USD/năm và rút toàn bộ quân đội Pháp ra khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan ngay sau khi đắc cử hình như đã thuyết phục được nhiều cử tri Pháp. Do tại vòng một không ứng cử viên nào chiếm được hơn 50% số phiếu nên phải tổ chức vòng hai.

Các số liệu chính thức về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng một ngày 23-4 được Bộ Nội vụ Pháp công bố cho thấy, ứng cử viên Ô-lăng-đơ của Đảng Xã hội đã nhận được 27,07% số phiếu bầu. Điều đáng ngạc nhiên là bà Ma-rin Lơ Pen thuộc phe cực hữu lại vượt lên thứ ba với tỷ lệ hơn 18% số phiếu cho thấy xã hội Pháp đang bị phân hóa và chia rẽ sâu sắc. Như vậy khả năng ông Xác-cô-di thắng cử là rất mong manh vì đa số cử tri Pháp không ủng hộ phe cực hữu nhưng lại bất bình với nhiều chính sách của Tổng thống Xác-cô-di trong thời gian qua mà muốn có một gương mặt mới trên chính trường nước Pháp. Sau khi các kết quả bầu cử được công bố, ứng cử viên Ô-lăng-đơ khẳng định ông đã được đặt vào vị trí thích hợp nhất để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Pháp. Tuyên bố trên được ông đưa ra trước một đám đông tại đơn vị bầu cử ở miền Trung nước Pháp. Trong khi đó, theo cuộc thăm dò dư luận đầu tiên sau cuộc bầu cử vòng một, ông Ô-lăng-đơ sẽ đánh bại Tổng thống Xác-cô-di trong vòng hai với tỷ lệ 54%-46%.

Kết cục cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ ngã ngũ vào giữa tháng 5-2012 nhưng ngay từ bây giờ người ta đã rõ về nguyện vọng của nhân dân Pháp. Đó là việc họ bất bình về chính sách thắt lưng buộc bụng, về sự can dự của nước Pháp trong các vấn đề của châu Âu, về việc Pháp đưa quân đến Áp-ga-ni-xtan cũng như can thiệp vào các sự biến chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Đó là việc nhân dân Pháp chưa đồng thuận với tiến trình nhất thể hóa châu Âu mà cốt lõi là việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu, xóa bỏ các hàng rào thuế quan cũng như việc các nước giầu phải oằn lưng gánh chịu nhiều khoản chi vô lý của các nước nghèo vừa ra nhập EU, chủ yếu là các nước Đông Âu và các nước cộng hòa tách ra từ Liên Xô cũ.

Như vậy, từ cuộc bầu cử tổng thống Pháp, các nước đồng minh của Pháp, trước hết là Đức và Anh phải rút ra nhiều điều trong thực thi chính sách đối với Liên minh châu Âu, đồng thời phải có sự điều chỉnh chính sách.

Thanh Trà