Đoàn Cựu chiến binh Sư đoàn 338 (đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc) vào Cam Lâm dang hương hoa tại Khu tưởng niệm Gạc Ma.

Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bảo tàng Trường Sa. Đặc biệt, năm nay cũng là năm kỷ niệm 35 năm sự kiện đảo Gạc Ma bị Hải quân Trung Quốc nổ súng giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam và chiếm đảo ngày 14.3.1988 - 14.3.2023.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Bảo tàng Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội, nhằm tuyên truyền giáo dục về lịch sử cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì thế, Bảo tàng phải mang đặc trưng về Trường Sa và văn hóa biển đảo; là một công trình văn hóa nổi bật có sự gắn kết hài hòa giữa công trình kiến trúc và không gian xung quanh; có cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để góp phần gìn giữ lâu dài lịch sử văn hóa dân tộc cho muôn đời sau.

Với thiết kế ban đầu, tổng diện tích đất thực hiện Đề án Bảo tàng Trường Sa là 25.313m2, kết nối Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Công trình do Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan tham mưu, đề xuất đơn vị có đủ điều kiện, năng lực tư vấn xây dựng Đề án; phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo các thủ tục về đất đai, xây dựng để triển khai các dự án thành phần. Nguồn vốn đầu tư sử dụng từ ngân sách Nhà nước và nguồn hợp tác công tư hợp pháp khác. Thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là năm 2023-2024. Đề án xây dựng Bảo tàng Trường Sa để tổ chức triển khai đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ. Đồng thời, việc thi tuyển kiến trúc bảo tàng cũng được ngành văn hóa triển khai.

Trước đó, năm 2015, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đầu tư giai đoạn 1 khu tưởng niệm Gạc Ma rộng hơn 20.000m2 với tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng. Công trình gồm cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”; khu trưng bày hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma; quảng trường Hòa Bình và các hạng mục khuôn viên cây cảnh... Những năm qua, nơi đây thường xuyên được đông đảo người dân, du khách, gia đình các thân nhân liệt sĩ, cán bộ chiến các đợ vị vũ trang…đến thăm viếng.

Kể từ khi Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma khánh thành và đi vào hoạt động đã có hàng nghìn lượt người dân trong cả nước tới để dân hương, dâng hoa tưởng niệm và tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng tại vùng biển Trường Sa và thềm lục địa của Tổ quốc.

Nhân chứng Gạc Ma - Lê Văn Khoa (ở Bình Định), là thợ máy trong khi đang làm nhiệm vụ trên tàu HQ-604, thì bị Hải quân Trung Quốc bắn chìm tàu và bắt đưa anh về giam gần 4 năm trời, xúc động chia sẻ: Ngày 14-3 năm nào cũng vậy, tôi đều chở con tôi đến đây thắp nén hương cho đồng đội. Được tin UBND tỉnh Khánh Hòa có đề án xây dựng Bảo tàng Trường Sa cạnh đây, chúng tôi thật xúc động. Đa số anh em hy sinh đều nằm lại trong lòng đại dương của Tổ quốc, nơi đây gồm những di ảnh nhưng chúng tôi xem đây như một “ngôi nhà chung”. Qua đó hằng năm, các cựu binh Trường Sa cả nước là bùi ngùi về đây “gặp gỡ” đồng đội và hứa với nhau sẽ không bao giờ quên sự kiện lịc sử này. Đồng thời giữ mãi ngọn lửa truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Bá Ngọc - nguyên Phó tư lệnh vùng 4 Hải quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Việc UBDN tỉnh triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bảo tàng Trường Sa, cùng với Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã tạo nên một khu liên hoàn có ý nghĩa lịch sử hiện tại mang ý nghĩa rất sâu sắc và dài lâu. Khu vực này là nơi giáo dục trực quan sinh động về tinh thần chiến đấu dũng cảm của Hải quân NDVN, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin tưởng rằng gần 17.000 hội viên CCB tỉnh, trong đó có rất đông là CCB Hải quân rất phấn khởi, đánh giá cao quyết định này của UBND tỉnh Khánh Hòa. CCB tỉnh sẽ tiếp tục động viên, giáo dục truyền thống tốt đẹp này, để Bảo tàng Trường Sa và Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma mãi là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hiện nay và mai sau.

Công Thi