Điểm dừng chân đầu tiên tại sân bay An-chơ-rết thuộc bang A-lát-xca, trong chuyến bay 16 tiếng đồng hồ; tiếp đó phải mất gần 6 giờ mới đến Oa-sinh-tơn D.C - thủ đô của Hoa Kỳ với những tòa nhà sang trọng, nhiều cây xanh; nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan đầu não trong chính quyền Mỹ và cũng là nơi tập trung các bảo tàng, thư viện lịch sử, các công trình xã hội khác. Sau hai ngày làm việc, từ thủ đô Oa-sinh-tơn với 45 phút bay, chiếc chuyên cơ chở đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước ta đáp xuống sân bay quốc tế ở TP Niu Y-oóc, một trung tâm kinh tế và tài chính của nước Mỹ. Nếu như ở Oa-sinh-tơn, người ta bắt gặp một không khí yên ả, thì Niu Y-oóc lại ồn ào náo nhiệt suốt ngày đêm…
Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và trong bất cứ một cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nào diễn ra đã thể hiện rõ hình ảnh Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam coi trọng và xem Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã tiến hành hàng loạt các cuộc làm việc, tiếp xúc với các bộ, ngành, các tổ chức và cá nhân. Chương trình nghị sự hết sức phong phú và dày đặc; chỉ trong vòng 3 ngày đã có gần 20 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ làm việc với chính quyền, Quốc hội và các giới tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có hơn một giờ hội đàm và họp báo chung với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Cuộc hội đàm của lãnh đạo hai nước đã diễn ra, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh là “chân thành, thẳng thắn và đạt được kết quả hết sức tốt đẹp”. Lãnh đạo hai nước đã quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Mức quan hệ đó sẽ tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, quốc phòng-an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa - du lịch... ![](/Pictures/2013/thang 8/từ 1-15/Thời sự/3813-CTN.jpg) Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã tiến hành hàng loạt các cuộc làm việc, gặp Tổng thư ký LHQ, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), trao đổi với các doanh nghiệp Hoa Kỳ…
Trong các cuộc làm việc và tiếp xúc đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang luôn khẳng định mạnh mẽ rằng, kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhất là khi hai nước hình thành được khuôn khổ quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi vào năm 2005, quan hệ hai nước đã phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đồng thời cũng đề xuất, trao đổi một cách chân tình, thẳng thắn mọi vấn đề cần quan tâm triển khai với những cơ chế phối hợp rất cụ thể. Những chuyển biến bước đầu đã đạt được sau 18 năm bình thường hóa quan hệ hai nước đã và đang bồi đắp ngày càng giàu có hơn niềm tin chính trị để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và những khoảng cách khác biệt.
Khi nói tới quan hệ hai nước, không thể không nói đến giải quyết những vấn đề sau chiến tranh để lại. Bởi thế, bên cạnh hoạt động chính thức của Chủ tịch nước, đoàn công tác CCB đi cùng đã có các hoạt động tiếp xúc, làm việc trong thời gian chuyến thăm. Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam Phùng Khắc Đăng dẫn đầu Đoàn CCB Việt Nam tham dự các cuộc gặp mặt, làm việc về vấn đề này. Tiếp xúc với lãnh đạo Hội CCB vì hòa binh (VFP), làm việc với đại diện USAID, nhóm đối thoại Mỹ-Việt về chất da cam/đi-ô-xin và gặp gỡ với các CCB Hoa Kỳ.
Tại các cuộc gặp diễn ra trên tinh thần đồng cảm và hiểu biết, có ý nghĩa biểu tượng, thể hiện hai nước thực sự đã vượt qua một chặng đường dài từ hai phía đối đầu, trở thành bạn bè. Ngày nay, các CCB đã từng đứng ở hai bên chiến tuyến lại cùng nhau chia sẻ nguyện vọng giản dị là được sống trong hòa bình, hợp tác lâu dài, gác lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai.
Hai bên đã thông báo cho nhau kết quả hợp tác giải quyết những trường hợp mất tích; xử lý bom mìn còn sót lại, vấn đề tẩy độc môi trường nhiễm độc đi-ô-xin; trợ giúp nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và đã có sự khảng định quyết tâm thực hiện các chương trình đã nêu trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc và làm việc, theo sáng kiến của Hội CCB Việt Nam, các tổ chức CCB Mỹ hưởng ứng và đồng ý phát động trong CCB Mỹ phong trào tìm kiếm trao lại kỷ vật, hiện vật của bộ đội Việt Nam và những người mất tin, mất tích trong chiến tranh. Khuyến khích các doanh nghiệp CCB hai nước tích cực hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động nhân đạo này. Các hoạt động nhân đạo với mục đích nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy hiểu biết lẫn nhau, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác một cách có hiệu quả, phù hợp với lợi ích của hai bên. Phía CCB Mỹ cũng bày tỏ tìm nguồn tài chính để hỗ trợ, chia sẻ với Việt Nam.
Ấn tượng sâu sắc đó không chỉ ập đến với những CCB của hai nước mà còn lan tỏa với cả người xung quanh tại các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ. Đó là một Việt Nam đổi mới với quyết tâm trở thành nước công nghiệp với các tiêu chí dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Trong tình hình đó, CCB Việt Nam và gia đình cũng được Nhà nước quan tâm, chăm sóc nhiều hơn và hưởng chế độ ưu đãi tốt hơn. Bản thân CCB Việt Nam cũng tiếp tục có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, được Nhà nước và nhân dân trân trọng. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam không ngừng củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, không chỉ ở cấp Chính phủ, Nhà nước, mà cả giao lưu nhân dân, trong đó quan hệ giữa các nhóm CCB hai nước cũng phát triển theo tinh thần đó.
Đại diện các tổ chức Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua cũng như quyết tâm của Việt Nam tiếp tục các nỗ lực này trong thời gian tới trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, khắc phục hậu quả chiến tranh…
Trong các cuộc làm việc, nhiều CCB Mỹ xúc động phát biểu ý kiến: Ngày nay, các CCB từng đứng ở hai bên chiến tuyến lại cùng nhau chia sẻ nguyện vọng giản dị là được sống trong hòa bình, hợp tác lâu dài, gác lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai. Có CCB Mỹ tự bộc bạch: Tôi thật đáng hổ thẹn vì xưa nay chỉ mới nghĩ đến việc tìm kiếm thông tin về người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam mà chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm trao lại kỷ vật, hiện vật của người mất tin, mất tích là người Việt Nam. Tôi sẽ tham gia tich cực phong trào này…
Nhiều người trong số họ đã lên tiếng, không ai khác chính CCB Hoa Kỳ phải là những người phải đi đầu trong quá trình hòa giải, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại trong lòng hai dân tộc, đóng góp tích cực vào việc dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ trước đây, xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ ngày nay dù ở bất cứ cương vị nào. Nhiều CCB Hoa Kỳ đã thăm lại chiến trường xưa và có nhiều cử chỉ đẹp, thể hiện tình cảm gắn bó với đất nước Việt Nam, nhất là trong việc thúc đẩy giải quyết hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin, rà phá bom mìn, thông tin để tim kiếm người mất tích, hỗ trợ cộng đồng...
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam cảm ơn các tình cảm tốt đẹp đó cũng như sự đóng góp của tất cả các CCB Hoa Kỳ và mong muốn các CCB tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh trong thời gian tới.
Những nỗ lực từ cả hai phía trong việc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với nhiều bước tiến cụ thể trong các lĩnh vực nhằm củng cố và đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, đáp ứng những lợi ích cụ thể của CCB và nhân dân hai nước.
Bài và ảnh: Minh Phương,
Thanh Sơn