Thượng tướng Nguyễn Tân cương trưởng ban chỉ đạo phát biểu tại hội thảo

Sáng  nay (19/3) tại Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị , Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực”.

Dự và chỉ đạo hội thảo, đại diện Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung Ương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội Thảo; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - nguyên Ủy viên BCT, Chủ nhiệm TCCT Quân Đội Nhân Dân Việt Nam; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Trị; các tướng lĩnh từng tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Về phía tỉnh Quảng Trị có đồng chí Lê Quang Tùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí Thư tỉnh ủy và các ban ngành cấp tỉnh.

Đồng chí Lê Quang Tùng bí thư tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Lê Quang Tùng thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, sỹ quan lực lượng vũ trang nhân dân cùng toàn thể các đại biểu về dự Hội thảo.

Đầu năm 1971, sau hai năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đẩy mạnh xây dựng quân đội Sài Gòn cả về số lượng và chất lượng, tiến hành các cuộc hành quân bình định, chính quyền Tổng thống Níchxơn chẳng những không giành được thắng lợi có tính chất bước ngoặt như kỳ vọng mà trên thực tế liên tiếp chịu nhiều thất bại trên các chiến trường. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc về chiến lược. Ngược lại, lực lượng cách mạng miền Nam vẫn nắm quyền chủ động, từng bước mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc vươn dài về miền Nam. Trước tình hình đó, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn buộc phải kiểm duyệt toàn bộ chiến lược cũng như tăng cường các biện pháp quân sự để chặn đứng nguy cơ thất bại. Thực hiện mục tiêu này, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 tập trung vào khu vực Đường 9 - Nam Lào.

Trải qua hơn 50 ngày đêm (30.1.1971 - 23.3.1971) liên tục tiến công quân địch, quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đánh cho quân đội Sài Gòn - công cụ nòng cốt của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” một đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân), bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh ... Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam.

Đoàn dâng hương nghĩa trang quốc gia đường 9
CCB Phạm Văn Théo, hố xá, vĩnh linh là một trong những nhân chứng lịch sử của mặt trận Đường 9 - Nam Lào

Trước đó, Ban Chỉ đạo hội thảo đã đến thăm, trao quà tặng 10 gia đình có thân nhân từng tham gia chiến đấu trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đã thăm hỏi, động viên, ôn lại những ký ức hào hùng của các trận đánh trên Đường 9 - Nam Lào; nói lời tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước vì quê hương đất nước. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào mãi mãi là một mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971; là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

                                                                                              Anh Thi-Văn Hảo