Thầy thuốc là một nghề cao quý, đặc biệt. Bởi nghề này có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Trong bất kỳ thời nào, hoàn cảnh nào, thầy thuốc cũng được tôn trọng, như vị cứu tinh của bệnh nhân. Hiểu được giá trị, ý nghĩa đó, nên rất nhiều y, bác sĩ đã chăm lo, phục vụ bệnh nhân tận tình. Không phụ lòng mong mỏi của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, họ cố gắng tìm tòi, sáng chế ra nhiều phương thuốc mới để tiêu diệt những căn bệnh quái ác, giúp mọi người sống vui, sống khỏe. Những thầy thuốc vĩ đại của nước ta có thể kể đến: Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di... đã có những đóng góp to lớn cho nước nhà và có tầm ảnh hưởng thế giới.  

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói câu: "Lương y phải như từ mẫu". Ý của Bác, thầy thuốc phải là người có tài lẫn có đức, chăm sóc cho bệnh nhân chu đáo như một người mẹ hiền. Ở nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam), sinh viên Ngành Y trước khi tốt nghiệp trở thành bác sĩ phải đọc lời thề Hippocrates (Hippocrates là cha đẻ của y học phương Tây, đã soạn thảo ra lời thề mang tên ông).  

Dù ngày nay, lời thề này đã được thay đổi ở mỗi nước khác nhau cho phù hợp với văn hóa, xã hội của nước đó nhưng nội dung vẫn tương tự, lấy tôn chỉ y đức làm đầu. Và sinh viên Ngành Y vẫn quen gọi là "Lời thề Hippocrates". Ở Việt Nam ta có 12 điều y đức phù hợp với Hiệp hội Y khoa Thế giới (World Medical Association - WMA). Trong 12 điều y đức - Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6-11-1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế), ở điều 5 có quy ước: "Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh". Lời thề này rất nhiều bác sĩ nghiêm túc thực hiện, xuất phát từ đạo đức, tâm lành. Tuy nhiên vẫn còn số ít bác sĩ đặt nặng vấn đề viện phí hơn là bệnh nhân.

Ở các nước Âu, Mỹ, nếu người bệnh không có thân nhân, khi nhập viện vẫn điều trị bệnh nhân bình thường, sau đó hẵng tính. Dù họ là tội phạm, người vô gia cư, tâm thần... nhưng khi cấp cứu thì vẫn được đối xử nhã nhặn, chu đáo như bao người khác. Thậm chí, người bệnh cấp cứu bị bỏ trước cổng bệnh viện vẫn được bảo vệ và nhân viên y tế đưa vào cứu chữa ngay. Trong khi ở ta, dù có cấp cứu thì bệnh nhân vẫn phải có người thân đi cùng để làm các thủ tục, đóng tiền viện phí tạm ứng mới được cứu chữa. Nếu không có tiền, không có người nhà, coi như hy vọng mong manh (dù có Bảo hiểm y tế).

Dẫu biết rằng Ngành Y tế nước ta còn nghèo so với các nước phát triển. Tuy nhiên học Ngành Y là để cứu người, đó là tôn chỉ của các y, bác sĩ trên khắp hành tinh này. Và tôn chỉ đó đã được quy ước trong lời thề y đức. Vì thế, hy vọng đối với những trường hợp người nghèo khổ, bệnh viện và bác sĩ nên nhanh tay cứu người trước, chuyện tiền nong tính sau. Ngành Y tế Việt Nam nên có những chính sách cởi mở, bệnh viện cần kêu gọi các “mạnh thường quân” và lập một quỹ bảo trợ để giúp đỡ người vô gia cư, người nghèo (nhưng không đủ điều kiện nhận thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí dành cho người nghèo) trong trường hợp cấp cứu.

Đặng Trung Thành