Đến cuối năm 1972, chị xuất ngũ về sống tại tổ dân phố số 8, khu 2, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là địa bàn giáp ranh giữa 3 phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, được chia cắt bởi ngã ba đường 310. Những năm trước đường đất còn nham nhở, ngày mưa ngập lụt, ngày nắng bụi bẩn, mùi hôi thối bốc lên từ những đống rác thải chềnh ềnh ngay ngã ba, ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của nhân dân. Đài TH Việt Nam, Đài PTTH Hà Nội, báo chí phải lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường ở nơi đây.

Là tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng CCB, Bà Thúy nhận thấy mình phải có trách nhiệm trong việc này, nên đã vận động một số người dân sống gần đó tham gia thu dọn vệ sinh, chi phí thuê xe chở rác. Được mọi người ủng hộ bà gặp từng người, từng gia đình trong và ngoài tổ dân phố số 8 cùng giữ vệ sinh chung; vận động một lần chưa chuyển thì kiên trì nhiều lần. Bà yêu cầu cả ông Tuấn (chồng bà), là kiến trúc sư nghỉ hưu cùng tham gia. Ông Tuấn giúp tổ dân phố khảo sát mặt bằng kỹ thuật hệ thống thoát nước, đề xuất biện pháp và giám sát thi công, có nhiều sáng kiến hay cho phường và đơn vị thi công xây dựng chỉnh trang đường ngõ, lắp đặt hệ thống thoát nước. Từ những việc làm gương mẫu và tích cực của bà, mà phần lớn người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tự giác thực hiện, xây dựng đời sống mới. Tổ dân phố số 8 có 7 năm liền đạt tiêu chuẩn “Tổ dân phố văn hóa, môi trường xanh, sạch đẹp”, 100% hộ dân đạt “Gia đình văn hóa”, không có trường hợp vi phạm quy tắc xây dựng và đổ phế thải bừa bãi phải xử lý.

Ông Nguyễn Tất Vọng, Phó chủ tịch Hội CCB phường Quảng An, Bí thư chi bộ khu dân cư số 2 cho biết: CCB Thiều Thị Thúy tuy mắc bệnh nan y, hiểm nghèo nhưng luôn sống lạc quan, vượt lên số phận và sống vì cộng đồng. Đảm nhiệm nhiều công việc như tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng CCB, tổ trưởng phụ lão nhưng đều hoàn thành tốt.

Bài và ảnh: Xuân Thắng