Các đại biểu cho rằng dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế như chi hành chính rất lớn, năm sau tăng so với năm trước, chi đầu tư phát triển dàn trải, thậm chí lãng phí, kỷ cương, kỷ luật trong tài chính ngân sách có địa phương, có nơi, có ngành chưa nghiêm, bị buông lỏng; chưa tăng cường công tác kiểm tra truy thu thuế.

Đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nặng về cơ chế xin-cho, phát sinh nhiều vấn đề không ổn, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị trước mắt vẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Quốc hội đã quyết định, không mở rộng thêm.

Về chiến lược lâu dài, cần cắt giảm, thu hẹp và đưa vào cơ chế chi thường xuyên với những tiêu chí và cách quản lý khác minh bạch hơn để khắc phục cơ chế xin cho, ngành “chạy”, địa phương “chạy,” vừa lãng phí, vừa tiêu cực. Chẳng hạn, môi trường là lĩnh vực phải làm lâu dài, mãi mãi, không thể chạy theo Chương trình mục tiêu mãi mà phải đưa vào chi thường xuyên.

Một số đại biểu cho rằng vốn trái phiếu Chính phủ rất có ý nghĩa nhưng việc sử dụng còn lãng phí, dàn trải. Từ đánh giá này, đại biểu đồng tình với việc phải phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 để đầu tư phát triển nhưng phải rà soát lại và đầu tư vào công trình có hiệu quả.

Về phát hành trái phiếu chính phủ bổ sung, đa số các đại biểu thống nhất với mức 170.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng Chính phủ cần làm rõ căn cứ đưa ra mức phát hành trái phiếu Chính phủ này. Cùng với phát hành trái phiếu Chính phủ, cần chú ý đến xây dựng thể chế chính sách chặt chẽ; củng cố năng lực bộ máy, chú ý đến con người, sử dụng nguồn lực có chất lượng cao; đầu tư khoa học công nghệ cao...

Các đại biểu đề nghị đẩy nhanh việc ban hành Luật đầu tư công và cần có nghị quyết của Quốc hội về các hoạt động đầu tư công ra ngoài nước.

Hoàng Linh(TH)