CCB Sư đoàn 315 gặp mặt nhân kỷ niệm ngày truyền thống đơn vị.

Mỗi năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Sư đoàn Bộ binh 315 - Quân khu 5 (6-3-1979), những CCB của đơn vị lại rưng rưng xúc động về dự gặp mặt truyền thống, cùng nhau nhắc nhớ những năm tháng không thể nào quên.

Mười năm chiến đấu trên chiến trường K, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, bao gương mặt đồng đội thân thương người còn, người mất, những dòng ký ức tưởng đã nhạt nhòa theo thời gian… nay lại ùa về. Ngày 6-3-1979, Sư đoàn 315 được thành lập tại bung Lung, tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Mười năm làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã cống hiến bao xương máu, tuổi trẻ, tâm huyết viết nên trang sử vẻ vang của Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhớ lại thuở ban đầu, cùng với đội ngũ cán bộ, chỉ huy dày dạn chinh chiến, phần lớn chiến sĩ các Trung đoàn bộ binh 142, 143, 733, Trung đoàn pháo mặt đất 729, các tiểu đoàn và đại đội trực thuộc, đều là những tân binh mười tám, đôi mươi vừa rời ghế nhà trường, chấp hành lệnh Tổng động viên, trải qua khóa huấn luyện cấp tốc, nhận lệnh ra chiến trường. Đảm nhận nhiệm vụ truy quét, tiêu diệt tàn quân Pônpốt - Iêngxari; giúp bạn vận động quần chúng khôi phục sản xuất, xây dựng chính quyền, xây dựng LLVT, những người lính tình nguyện thường trực đối mặt với muôn vàn cam go, thử thách. Bữa ăn chủ yếu độn mì, cá khô, nước mắm gạo rang, canh rau rừng, sung chát muối chua… Mùa mưa ngập úng, lở núi lở rừng, áo quần lúc nào cũng sũng nước; mùa khô thì ngày nóng đêm lạnh, suối nguồn khô cạn…

Không thể nào quên những cơn khát mùa khô trên đất bạn. CCB Trương Công Ảnh - nguyên chiến sĩ Trung đoàn 733 từng viết: “Lính ta đâu sợ giặc/ Sợ cái khát giữa rừng/ Tựa lưng vào gốc khộp/ Ước gì một cơn mưa/ Cánh rừng khộp lưa thưa/ Cũng khát như người lính”. Còn theo lời Đại úy Hà Phúc Lại - nguyên y sĩ Đại đội Quân y 18 Trung đoàn 142, thuốc men, dụng cụ y tế khan hiếm, các anh phải giặt băng gạc, mài kim tiêm để tái sử dụng, chưng cất dịch truyền từ nước mưa, đường glucôza. Có thời điểm, thương binh nhiều, ba bàn mổ làm việc suốt ngày đêm.

Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Đình Phúc - nguyên chiến sĩ trinh sát Sư đoàn giai đoạn 1979 - 1987, những chuyến đi trinh sát luồn sâu trong lòng địch, cánh lính trinh sát có thể “chạm tay” vào cái chết bất kỳ lúc nào. Bởi vậy, tình đồng chí sâu nặng như cật ruột. Có chuyến đi 6 người, về chỉ còn 3 lành lặn, thay nhau cắt rừng khiêng cáng những người bị thương, hy sinh, đưa về hậu cứ. Anh thương binh nặng 1/4 Cao Kim đã để lại hai chân trên chiến trường K, bùi ngùi ôn lại ngày đi trinh sát bị “dính” mìn. Toàn thân chi chít mảnh đạn, hai chân dập nát, đồng đội đã cáng anh ròng rã 2 ngày 2 đêm mới về đến trạm phẫu. Thấy anh bị mất quá nhiều máu, chỉ còn thoi thóp thở, cả đơn vị xếp hàng tình nguyện hiến máu. Sư đoàn trưởng Trương Đức Chữ đến thăm, dặn dò quân y: “Cố gắng giữ đôi chân cho cậu ấy”. Ngay cả khi hai chân đều phải cưa, tiêu chuẩn giày sĩ quan của Cao Kim vẫn được anh em để cẩn thận ở đầu giường. Từ cán bộ đến chiến sĩ đều viết thư gửi cho cô giáo Hồng Liên, người yêu của anh đang dạy học ở quê nhà, bảo rằng, anh ấy là người lính dũng cảm nhất, chị đừng bao giờ chia tay anh ấy.

Còn Thượng sĩ Nguyễn Cẩm Tú không sao quên được kỷ niệm về trận đánh độc đáo. Lần ấy, quân số khỏe của Trung đoàn 733 đã hành quân lên tuyến trước, chỉ còn ở lại số thương bệnh binh đang điều trị tại trạm xá. Vậy mà khi phát hiện có đơn vị vận tải của Pônpốt chở hàng đi ngang qua, để “chia lửa” với tiến tuyến, 20 thương bệnh binh đã chia làm 3 mũi chính diện và khóa đầu, khóa đuôi, quần nhau với địch gần 3 giờ, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Với Đại tá Hoàng Ngọc Khăn - nguyên Phó Sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 315 những năm 1987 - 1989, luôn khắc ghi những năm tháng “đấu trí” với quân thù. Và ông gửi nỗi nhớ của những ngày chốt giữ Ngã Ba Biên vào những vần thơ: “Giữ yên mảnh đất phía Tây/ Để cho nước bạn đêm ngày hồi sinh/ Mảnh đất nhỏ nặng nghĩa tình/ Biết bao đồng chí của mình ra đi”.

Vượt lên gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn lạc quan, yêu đời. Giữa chiến trường bom đạn, những bài thơ, bản nhạc, vở kịch vui… chan chứa niềm tin yêu cuộc sống vẫn nối nhau ra đời.

Chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, “không tơ hào cây kim, sợi chỉ của nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 đã trở thành những người con thân yêu của từng phum, khum, được nhân dân đất nước Chùa Tháp yêu mến, quý trọng, gọi là “Đội quân của nhà Phật”.

Hết chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, vật lộn với thương tật, di chứng của những cơn sốt rét ác tính, đối mặt với cơm áo gạo tiền, không ít người trên mình còn mang nhiều mảnh đạn vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh… nhưng trong trái tim CCB Sư đoàn 315 luôn đau đáu hướng về những đồng đội còn nằm lại chiến trường. CCB Sư đoàn ở các địa phương đã tổ chức thăm lại chiến trường xưa; tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ thân nhân những người đã khuất… Nghĩa tình sâu nặng, thủy chung của những người lính một thời “vào sinh ra tử”, nghị lực sống xứng đáng với quá khứ vinh quang của họ mãi tiếp lửa cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay xây dựng Sư đoàn 315 Anh hùng ngày càng vững bước tiến lên.

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP