Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam đọc điếu văn với lời hứa danh dự: giương cao mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người. "Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!" - đồng chí Lê Duẩn xúc động dẫn lại hai câu thơ trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Được nghe Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời tuyên thề của toàn Đảng, toàn dân ta, do đồng chí Lê Duẩn - Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng đọc tại Lễ truy điệu Bác Hồ ngày 9-9-1969 tại Ba Đình (Hà Nội), tất cả cả mọi người không ai cầm được nước mắt. Đúng là “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” đưa tiễn Người vào cõi bất tử. Sáng hôm đó, trời mưa tầm tã cộng với nước mắt hàng triệu người khóc vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã làm cho cả không gian ướt lạnh, đau buồn. Tất cả thẩm thấu sâu sắc vào trái tim, khối óc, tấm lòng của mọi người.
Trải qua bao gian khổ hy sinh, Bác Hồ kính yêu đã đưa sự nghiệp Cách mạng nước ta vượt qua bao nhiêu phong ba bão táp, lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cặp bến vinh quang như ngày hôm nay. Hình ảnh của Bác là người Cha, người Anh là hình ảnh tinh hoa tươi mát của cả dân tộc anh hùng được khắc sâu vào mảnh đất quê hương Việt Nam và mỗi trái tim của con người Việt Nam, là trái tim chói ngời cả nhân loại.“Người là Cha, là Bác là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ” (Tố Hữu). Do đó, hình tượng Bác Hồ là niềm cảm hứng và đối tượng thẩm mỹ để bao nhà thơ tạo nên những áng thơ hay.
Từ miền Nam xa xôi, khi nghe tin Bác mất, nhà thơ Thu Bồn đã ra bờ suối lặng lẽ khóc một mình. Ông đau đớn báo tin cho mẹ mình, trong lặng im, ở phía đồng bằng đang quằn quại trong vòng giặc kiểm soát: “Có người thợ dựng thành đồng/ Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi/ Con đi dưới một vòm trời/ Đau thương nhưng vẫn sáng ngời niềm tin” (Gửi lòng con đến cùng Cha). Hình ảnh của Bác hằn ghi trong tâm khảm của hàng trăm, hàng nghìn người con miền Nam trung dũng kiên cường, như một nguồn động viên cao cả, là niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, tiếp lửa cho họ trên chặng đường cách mạng cam go, đầy thử thách: “Con đếm được từng nhịp tim Bác đập/ Dù hai miền còn giới tuyến ngăn đôi/ Trong xà-lim trước lưỡi lê máy chém/ Hàng vạn chúng con đã thấy Bác bên mình” (Con viết bài thơ dâng Bác - Giang Nam).
Dù Bác mất, cây bút trẻ Sơn Nam như thấy Bác vẫn còn đó hiển hiện trong hình ảnh của người Tư lệnh Quân khu 5: “Tư lệnh đến thăm cầm tay chiến sĩ/ Hỏi ăn, hỏi ngủ, chuyện thân quen/ Hoa râm mái tóc hồng da dẻ/ Dép lốp, quần đùi, áo cộc đen/ Rõ dáng người Cha để lại đây/ Người thăm chiến sĩ giữa ngàn cây/ Bác đi Bác hóa muôn nghìn đó/ Vẫn đến thăm ta ngày mỗi ngày” (Bác vẫn thăm ta - Sơn Nam). Trong bài thơ “Di chúc của Người”, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Di Chúc Người viết cho ta, đâu phải vì Người/ Bác sợ khi Bác đi rồi, ta sẽ lạnh/ Sợ ta đau, sợ ta rồi lơ đễnh, sợ ta quên / Người gửi lại một niềm tin/... Mắt rưng lệ, ta đọc Di chúc Người từng câu, từng chữ/ Ngỡ như trước mắt, trên cao đâu đó, Bác nhìn!”. Trong thơ Chế Lan Viên, Bác như bông hoa sen thơm ngát, như cây xanh tỏa bóng mát cho đời. Người ra đi, nhưng tình cảm, tư tưởng của Người vẫn còn mãi: “Bác vĩnh cửu muôn đời không thể mất/ Người ở trong lăng và người ở ngoài lăng” (Trong lăng và ở bên ngoài).
Tình yêu thương của Bác còn bao trùm cả vạn vật trong thiên nhiên. Nhà thơ Tố Hữu đã so sánh sự hy sinh quên mình vì dân vì nước của Bác “Như dòng sông chảy, nặng phù sa”,“Bác vẫn đi kia... giữa cánh đồng/ Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông/ Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm/ Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong...”. Hình ảnh Bác mãi luôn đồng hành với người nông dân, công nhân, bộ đội: “Bác vẫn về kia... Những sớm trưa/ Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ/ Hỏi anh hỏi chị công nhân ấy/ Vàng ngọc thi đua được mấy giờ?”... (Theo chân Bác).
Bác Hồ - một con người vĩ đại, nhưng hết sức bình dị và rất đỗi thân thương. Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ về hình ảnh của Người: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”…” (Bác ơi! - Tố Hữu). Ở Người, từ tư tưởng đến cách hành xử luôn toát lên tinh thần nhân văn sâu sắc. Điều đó đã được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động và cả trong Di chúc mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn nhân dân ta trước lúc đi xa. Bác “Như cánh chim không mỏi, bay khắp miền quê hương. Như cánh chim không mỏi, bay khắp trời Việt Nam” (Bác Hồ - Một tình yêu bao la, Thuận Yến). Chúng ta thấy ở Người luôn thể hiện ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng một cách sâu sắc. Cả cuộc đời “Tận tụy vì nước, vì dân, vì con người đã là đẹp. Mà tận tụy suốt đời thì đẹp vô cùng. Còn như suốt đời tận tụy vì nước, vì dân, vì con người, vì lý tưởng cao cả mà lại dám hy sinh, quên mình, thì duy chỉ có một số ít thánh nhân mới đạt được” (Trần Văn Giàu - Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 1997, tr. 67).
Nhân 100 ngày Bác mất, nhà thơ Hải Như viết “Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra/ Đẹp thế đó, ôi linh hồn của Đảng...”. Trái tim nhà thơ dào dạt niềm ước muốn: “Xin Bác cứ tập bài quyền buổi sáng/ Như mọi ngày trời mới rạng vầng đông” (Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra). Vâng, chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi tươi xanh, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969-2019), đọc lại những vần thơ viết về Người, chúng ta nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác
Lên những tầng cao, thẳng cánh bay!
(Theo Chân Bác - thơ Tố Hữu).
Nguyễn Văn Thanh