Nông dân Mỹ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thương chiến Mỹ - Trung.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được Mỹ chủ động đẩy lên cao trào nhưng cũng chính Mỹ lại là bên chủ động hạ nhiệt bởi chính nền kinh tế hàng đầu thế giới này cũng đang “ngấm đòn” khi phải cạnh tranh khốc liệt với nền kinh tế được xếp hạng ngay sau mình.

Ngày 18-8, Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho biết: Mỹ đang cân nhắc thay đổi mức thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc dự kiến có hiệu lực lần lượt vào ngày 15-9 và 15-12-2019. Thông tin trên được đưa ra sau khi ông Trump có cuộc trao đổi với CEO Tim Cook của Apple về tác động của biện pháp thuế quan với Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh với tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc. Ông Trump tiết lộ: ông đã bị thuyết phục sau khi nghe ông Cook hối thúc ông cân nhắc lại mức thuế này do sẽ đẩy Apple, vốn có nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, vào tình trạng bất lợi thế trong cạnh tranh với Samsung.

Với thông tin như vậy, giới chuyên gia có thể tiên lượng ngay việc có sự thay đổi theo chiều hướng giảm hoặc hoãn thực thi áp mức thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc. Nguyên nhân chính của hành động này không chỉ bắt nguồn từ một cuộc trao đổi với người đứng đầu của một công ty lớn như Apple mà từ sức ép chung của cả nền kinh tế Mỹ khi bị phía Trung Quốc tung đòn phản công.

Mỹ tăng thuế thì Trung Quốc cũng tăng thuế hoặc ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có nông sản từ Mỹ, khiến nông dân ở nhiều bang rơi vào thế bất lợi buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp bảo hộ tốn kém. Hơn nữa, bên cạnh việc là nơi đứng chân của nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Quốc còn là một thị trường rộng lớn, có sức mua cao và một khi Bắc Kinh ngừng mua một sản phẩm nào đó thì các công ty sản xuất ra các sản phẩm này sẽ gặp cơn nguy khó.

Tới lúc này, không chỉ Trung Quốc hay các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ - Trung mà chính Mỹ cũng muốn tìm cách sớm chấm dứt cuộc chiến này.

Cũng trong ngày 18-8, cố vấn kinh tế Nhà Trắng - Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại làm chao đảo các thị trường thế giới thời gian qua. Theo ông Kudlow, nếu các cuộc điện đàm giữa hai bên đạt kết quả tốt trong 10 ngày tới, Washington có thể khôi phục thực sự các cuộc đàm phán, với việc phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh cuộc điện đàm hồi tuần trước diễn ra "tích cực hơn nhiều so với những gì được truyền thông đưa tin". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ liệu phái đoàn Trung Quốc có tới Washington vào tháng 9 tới hay không.

Chiến tranh, dù đó là cuộc chiến gì, đều không phải là điều tốt. Chiến tranh thì sẽ có bên thắng, bên bại, có thắng cũng sứt đầu mẻ trán; hoặc đôi bên cùng bại chứ chẳng thể có hai bên đều thắng. Muốn có hai bên đều thắng, muốn có một môi trường hòa bình để cùng nhau phát triển thì chỉ chỉ có cách các bên tham chiến hay cạnh tranh cùng ngồi lại đàm đạo, tìm cách hợp tác mà thôi.

Ngọc Hưng