Bát nháo đường sá và xây dựng trái phép tràn lan
Lần theo thông tin phản ánh về việc giữa rừng đặc dụng Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) bỗng dưng xuất hiện một con đường bê tông rộng hơn 3m chạy thẳng từ ngã ba Ngọc Sơn vào khu mỏ khai thác vàng của Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (Cty Thăng Long). Khi có mặt tại hiện trường, chúng tôi bất ngờ trước thông tin phản ánh là Công ty khai thác vàng đã hào phóng… “tặng” cho xã con đường núp bóng dưới hình thức xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo người dân cho biết, trước đây lối đi của người dân từ ngã ba Ngọc Sơn vào bản phải đi trên những lối mòn, dốc núi dựng đứng toàn đá hộc lổng chổng qua khe núi Cô Tiên với chiều dài chừng 7km.
Ông Hoàng Văn Tiên - Trưởng xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa cho biết: Con đường bê tông không hiểu sao chỉ làm tới chân mỏ vàng thì dừng lại, còn khoảng gần 2 km đường dẫn vào bản Khắc Kiệm (xóm Xuyên Sơn) nơi có 89 hộ dân đồng bào dân tộc Tày, Dao… đang sinh sống thì không thấy làm nữa.
Theo ông Tiên, đoạn đường gần 2km lầy lội này đi qua phạm vi khu vực mỏ của Cty Thăng Long đang triển khai tại bản Ná. Quá trình thi công, có đoạn sát chân núi (gần phía đập Xuyên Sơn - PV), nằm phía sau phạm vi mỏ vàng cũng bị lấy lý do sửa đường để doanh nghiệp khoét vào sát chân núi tìm vàng. "Đường của dân mà khi thì đi bên phải được vài hôm rồi lại bị chuyển qua đi bên trái. Mỗi lần chuyển đường đều phải đi vòng vèo qua eo hủm nước sâu của moong làm vàng, rất nguy hiểm. Họ làm đường bê tông có cái được là thuận tiện cho bà con đi lại nhưng cũng có cái mất…” - ông Tiên ấp úng.
Vẫn theo ông Tiên, hằng năm nhân dân trong xóm đều có ý kiến phản ánh ra xã, thậm chí tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã nhiều cử tri lên tiếng về việc làm vàng của doanh nghiệp nhưng kêu mãi cũng chả thấy cơ quan nào giải quyết...
Ghi nhận của PV, con đường do Cty Thăng Long làm có chiều dài khoảng 1,3km, mặt đường đổ bê tông khoảng 3,5m, nền đường rộng từ 6 đến 10m, thậm chí có vị trí phải bạt núi để mở rộng đường. Qua quan sát, đất đá phế thải trong quá trình đào vàng của doanh nghiệp được sử dụng để tạo làm cốt nền. Nếu nhẩm tính chỉ riêng con đường do doanh nghiệp làm mới với chiều dài như vậy nó lên tới hàng trăm nghìn mét vuông. Và như vậy, đồng nghĩa hàng trăm nghìn mét vuông đất rừng đặc dụng đã bị phá bỏ để phục vụ làm đường…
Ngoài việc “tặng” xã con đường, theo phản ánh và qua quan sát thực tế, chủ mỏ vàng còn đầu tư xây dựng cả một quần thể tâm linh hoành tráng giữ rừng đặc dụng, sát vào cả chân núi. Có thông tin cho là việc xây dựng đình, chùa, đền phía Cty Thăng Long “phớt lờ” việc xin phép cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Theo người dân cho biết, con đường bê tông mới làm lẫn quần thể tâm linh... đều nằm trong phạm vi đất rừng đặc dụng do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng quản lý...




Chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ
Trao đổi với PV về vấn đề trên, Bí thư huyện ủy Võ Nhai - Nguyễn Văn Tiệu xác nhận việc xây dựng quần thể tâm linh (Đình thờ tướng Dương Tự Minh, Chùa thờ Phật và Đền thờ Mẫu) Cty Thăng Long tự làm. “Ngày trước, khu vực này có một cái đền bé bé, bây giờ họ tôn tạo lên thôi, họ chỉ làm nội bộ thôi. Phía huyện vẫn giao cho Ngành Văn hóa theo dõi, kiểm tra…”.
Liên quan đến con đường bê tông dài hơn 1km, ông Tiệu xác nhận doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm. Còn đối với dự án làm đường theo chương trình NTM, Nhà nước chỉ đầu tư làm ở phía bên trong bản, có một đoạn ngắn vài trăm mét.
Trong khi được hỏi ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai về vấn đề trên, ông Tiến cho biết: Vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản giao cho Giám đốc Sở NNPTNT chủ trì cùng với cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát. “Ngày hôm nay (23-8), Đoàn công tác do Sở NNPTNTchủ trì đang kiểm tra tại xã Thần Sa, khi nào có kết luận sẽ thông tin tới báo chí” - ông Tiến nói.
Được biết, 2 năm 2008-2009, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Cty Thăng Long nhiều điểm mỏ vàng tại xã Thần Sa. Theo đó tại khu vực Bản Ná, Cty Thăng Long được cấp 37,25ha; trong đó khu vực khai thác là 32,6ha, khu vực xây dựng văn phòng 4,65ha. Phương pháp khai thác lộ thiên với trữ lượng khai thác ở điểm mỏ này lên tới hơn 1 triệu mét khối cát quặng. Sản lượng khai thác hằng năm khoảng 320.000 tấn cát quặng. Thời hạn cho phép khai thác 7 năm kể từ ngày 12-6-2008, trong đó 1 năm xây dựng cơ bản, 5 năm khai thác và 1 năm hoàn thổ, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, không hiểu vì sao khi quyết định và thời gian khai thác chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn, doanh nghiệp moi gần hết phạm vi khai thác thì ngày 29-5-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khi đó là ông Dương Ngọc Long lại ký quyết định điều chỉnh và gia hạn cho điểm mỏ vàng bản Ná, được tính từ ngày 6-12-2013 đến hết ngày 6-12-2021? Về trữ lượng khai thác tại mỏ vàng bản Ná cũng được tính toán rút xuống còn 170.254m3 cát quặng; công suất khai thác 25.000m3/năm. Nếu cộng cả thời gian theo quyết định cấp phép năm 2008, thì tổng thời gian thực hiện dự án này lên tới 13 năm.
Ngoài bản Ná thì khu vực bản Khắc Kiệm, xóm Xuyên Sơn cũng được cấp cho Cty Thăng Long từ năm 2009. Khu vực này hiện chưa đưa vào khai thác và đang là cánh đồng lúa xanh tốt nuôi sống gần trăm hộ dân xóm Xuyên Sơn. Tương lai sắp tới, mấy chục ha lúa của bà con nơi đây cũng sẽ bị phá bỏ; gần trăm hộ dân đồng bào Tày, Dao… sẽ phải di dời để nhường chỗ cho dự án… Tỉnh Thái Nguyên và chủ mỏ vàng không biết có giải pháp để đảm bảo cuộc sống người dân khi mà PV về tìm hiểu, thì hầu hết người dân đều lắc đầu ngán ngẩm về Dự án và lo lắng cho tương lai cuộc sống của họ bởi nhiều đời nay họ chỉ dựa vào cánh đồng Khắc Kiệm để tồn tại! Các giải pháp cho cuộc sống người dân ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin trong thời gian tới...
Bài và ảnh: Chính Nhi