Thời gian qua, Báo CCB Việt Nam nhận được phản ánh của một số cán bộ, giảng viên Trường sư phạm (trực thuộc Trường đại học Vinh), về việc bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư (PGS) cho một giảng viên của trường không đúng quy định.

Không những các cán bộ, giảng viên phản ánh, mà sự việc còn được đưa lên bàn luận trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo trong suốt thời gian qua. Theo tìm hiểu được biết, ông N.N.A. hiện nay là PGS.TS, giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường sư phạm, Trường đại học Vinh. Ông NNA. được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận, đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2017 và được Trường đại học Vinh bổ nhiệm chức danh PGS vào ngày 1-10-2018.

Theo phản ánh của các giảng viên Trường đại học Vinh, “ông NNA. không đủ điều kiện để bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. Chưa đáp ứng được điều kiện: “Người được bổ nhiệm phải Chủ trì, hoặc tham gia biên soạn ít nhất 2 giáo trình đúng chuyên ngành đã được nghiệm thu và phê duyệt, đưa vào sử dụng để trực tiếp phục vụ  đào tạo đại học, hoặc sau đại học tại trường” được quy định tại khoản 6, điều 7, Quyết định số 1237/QĐ-ĐHV ngày 17-10-2016 của Hiệu trưởng Trường đại học Vinh.

Trong phản ánh có nội dung: “Để đáp ứng được điều kiện bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, ông NNA đã đăng ký giáo trình mang tên: Giáo trình “Đại cương Quản lí giáo dục”. Giáo trình này được Hội đồng nghiệm thu Trường đại học Vinh tiến hành họp nghiệm thu vào ngày 27-9-2018, và được thông qua với số phiếu 7/7 thành viên nghiệm thu. Nhưng chỉ sau ba (3) ngày nghiệm thu giáo trình trên, thì ông N.NA. được Trường đại học Vinh bổ nhiệm chức danh PGS”. “Tuy nhiên cho đến nay, tức là đã sau sáu (6) năm được bổ nhiệm PGS, giáo trình đăng ký để đủ điều kiện bổ nhiệm PGS của ông NNA theo quy định vẫn chưa hề được xuất bản, chưa được ứng dụng vào việc giảng dạy tại Trường đại học Vinh”. “Việc Giáo trình “Đại cương Quản lí giáo dục” của ông N.N.A. đến nay chưa xuất bản cho thấy, việc thực hiện giáo trình nói trên chỉ mang tính chất đối phó. Không nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động đào tạo của ngành, khoa và nhà trường. Theo một số chuyên gia đánh giá, có những chương, phần sao chép đến 90% nội dung cuốn sách “Quản lí giáo dục” của nhóm tác giả khác”.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Báo CCB Việt Nam đã liên hệ với Trường đại học Vinh. Tuy nhiên chúng tôi chỉ được ông Đinh Phan Khôi, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp cho biết: Nhà trường (đại học Vinh - PV) đã tiến hành kiểm tra các vấn đề liên quan từ mấy ngày trước. Lúc nào có kết quả, sẽ cung cấp thông tin”. Như vậy, vấn đề mà các giảng viên Trường sư phạm (Trường đại học Vinh) phản ánh, đã được Ban Giám hiệu nhà trường tiếp nhận.  

Rõ ràng những lùm xùm của sự việc trên, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường học thuật, cũng như sự liêm chính cần thiết của khoa học. Chính vì vậy, Trường đại học Vinh cần sớm xác minh, kiểm tra vấn đề, minh bạch sự việc mà các giảng viên của trường đã phản ánh. Chỉ có như vậy mới giữ được uy tín, thương hiệu “Đại học Vinh”; Tạo nên sự an tâm, tin tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên đang theo học tại đây.  

Sơn Hằng