Ông Nguyễn Đức Tỉnh bên 3ha vải bị HTX Nông nghiệp - Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp Ia Trôk bao chiếm.

Cho rằng đất HTX được giao triển khai dự án chồng lấn lên đất mà bà con xâm canh sản xuất trước đó, ông Lê Quang Nguyện - Giám đốc HTX Nông nghiệp - Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp Ia Trôk (có trụ sở tại thôn Quý Tân, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã ngang nhiên đưa đưa người, máy móc vào khai thác 6ha keo, chiếm 3ha vải, 1 nhà rẫy, gây thiệt hại hằng tỷ đồng cho 5 hộ dân nghèo ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, gồm: Nguyễn Đức Tỉnh, thôn Ia Yú, xã Ea Sol; Nguyễn Thanh Tùng, ở buôn Hiao 2, xã Ea Hiao; Lê Văn Thảo; Phạm Văn Cự; và Trần Xuân Lộc cùng trú tại thôn 2, xã Ea Hiao.

Ngày 9-1, chúng tôi cùng các điều tra viên của công an xã Ia Rbol, và Công an thị trấn Ayun Pa, tỉnh Gia Lai vào hiện trường vụ việc ngang nhiên chiếm đoạt tài sản xảy ra tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Từ xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi phải sử dụng xe máy và đi bộ xuyên qua hơn 10km đường rừng, vượt nhiều đèo dốc, khe suối quanh co, hiểm trở mới tới được khu vực tranh chấp giữa 5 hộ dân với HTX Nông nghiệp - Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp Ia Trôk (NNXDKDTH). Địa điểm này nằm ở vị trí giáp ranh giữa xã Ea Sol, huyện Ea H’leo với xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Từ hiện trạng giao thông đi lại trắc trở, cho thấy nỗi vất vả, gian nan, cực nhọc và sự đầu tư lớn về công sức, tiền bạc của 5 hộ dân xâm canh, trồng hơn 32ha keo, vải, cây lấy gỗ và các loại cây ăn quả khác, mà nay đang bị chiếm đoạt(!).

Hơn 9 giờ ngày 9-1, đoàn chúng tôi tới khu đất sản xuất của 5 hộ dân, và ngay tại thời điểm chúng tôi có mặt, người do HTX NNXDKDTH Ia Trôk thuê vẫn ngang nhiên cưa cắt rẫy keo, và công khai chăm sóc khu vực vườn vải của các hộ dân. Tại hiện trường, những thân keo còn tươi mới được cưa cắt, vài ba can xăng được tập kết gần khu vực lán trại. Hai nhân công có tên Bảo và Vinh (người ở huyện Krông Bông và huyện Ea H;leo, tỉnh Đắk Lắk) được HTX NNXDKDTH Ia Trôk mướn đang kéo ống dây để bơm tưới nước cho 3 ha vải (!).

Qua điều tra, và trao đổi với 5 hộ dân được biết: Vào thời điểm năm 2015, các hộ dân đã góp vốn, cùng nhau đến khu vực đất trống giáp ranh giữa xã Ea Sol, huyện Ea H’leo với xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa để khai hoang tổng cộng 32ha đất trồng keo, vải, nhãn và một số loại cây ăn quả, cây lấy gỗ khác. Trên khu đất này, các hộ đầu tư dựng 2 nhà rẫy, mở đường đi nội bộ, đắp 1 đập thủy lợi để lấy nước tưới. Cụ thể, đã trồng 20ha keo, hơn 3ha vải, 1,5ha nhãn,…, với tổng chi phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Tại thời điểm đến khai hoang, sản xuất nông nghiệp trên khu vực đất trống, đồi trọc (do bị nhiễm chất khai quang trong chiền tranh, nên nhiều quả đồi khu vực này trơ trọc), các hộ dân không rõ địa điểm này thuộc địa giới hành chính tỉnh Gia Lai. Đến năm 2019, đoàn kiểm tra của thị xã Ayun Pa kiểm tra, xác định các hộ dân lấm chiếm, xâm canh trên đất lâm nghiệp, thuộc dịa giới hành chính xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Sau khi kiểm tra, UBND Ia Rbol, thị xã Ayun Pa đã xử phạt hành chính 5 hộ, mỗi hộ 5 triệu đồng, và yêu cầu không mở rộng thêm diện tích khai hoang.

Căn nhà rẫy của 5 hộ dân bị HTX NNXDKDTH Ia Trôk tháo dỡ.

Năm 2020, HTX NNXDKDTH Ia Trôk triển khai dự án trồng rừng sản xuất tại xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Và cho rằng đất của dự án chồng lấn lên 32ha đất mà 5 hộ dân xâm canh từ thời điểm năm 2015, dẫn đến xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp về đất và tài sản trên đất lại không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Mà, từ năm 2016 đến nay, HTX NNXDKDTH Ia Trôk đã ngang nhiên bao chiếm 3ha vải, tháo dỡ và chiếm đoạt 1 nhà rẫy, đưa người và phương tiện vào khai thác 6ha keo (hơn 7 năm tuổi) của 5 hộ dân. Theo ước tính của các hộ dân, về diện tích 3ha vải gây thiệt hại tiền đầu tư 3 tỷ đồng; về giá trị của 6ha keo bị khai thác là gần 400 triệu đồng; 1 căn nhà rẫy bị phá dỡ mang đi trị giá hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, HTX NNXDKDTH Ia Trôk còn đưa đối tượng “bất hảo”, sử dụng hung khi đe dọa người làm của 5 hộ dân(!).

Hành vi coi thường pháp luật của đại diện HTX NNXDKDTH Ia Trôk còn thể hiện ở chỗ, công khai thuê người của xã Ea Hiao là ông Lê Văn Bình, ở thôn 7, tổ chức khai thác keo, và còn ngang nhiên bán gỗ keo cho hộ Bàn Văn Giáp cùng ở thôn 7, xã Ea Hiao; 3ha vải bao chiếm, thì nhờ ông Hồ Văn Dũng, trú thôn 7a,  xã Ea Hiao đứng ra thuê nhân công chăm sóc.

Ông Phạm Văn Cự xót xa khi 6ha keo hơn 7 năm tuổi của các hộ dân bị khai thác trắng.

Từ diễn biến vụ việc, Luật sư Lê Xuân Anh Phú, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Mặc dù đất xâm canh của 5 hộ dân nói trên chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng những tài sản gắn liền trên đất do họ trồng và xây dựng như cây keo, vải, nhãn và một số loại cây ăn quả, cây lấy gỗ khác và 2 nhà rẫy… Đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của họ. Chứng cứ để chứng minh cho nguồn gốc hình thành tài sản này là do họ trồng và xây dựng chính là các Biên bản đoàn kiểm tra của thị xã Ayun Pa kiểm tra, xác định các hộ dân lấm chiếm, xâm canh trên đất lâm nghiệp, thuộc địa giới hành chính xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, trong đó thể hiện đã có cây trồng, nhà rẫy và Biên bản xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền địa phương về hành vi xâm canh. Như vậy, những ai có hành vi lợi dụng sự vắng mặt của 5 hộ dân, để tháo dỡ và chiếm đoạt 1 nhà rẫy, khai thác 6ha keo (hơn 7 năm tuổi) của chủ sở hữu là có dấu hiệu hình sự về tội “ Trộm cắp” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015; Hành vi tổ chức nhiều người dùng hung khí khống chế, hăm dọa, uy hiếp tinh thần người nhà của 5 hộ dân này, đuổi họ ra khỏi rẫy để chiếm đoạt vườn nhãn, vườn vải là có dấu hiệu hình sự về tội “ Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Qua điều tra, chúng tôi khẳng định, những việc làm của đại diện HTX NNXDKDTH Ia Trôk, như: Bao chiếm vườn cây, tháo dỡ nhà rẫy, đưa người, phương tiện vào ngang nhiên khai thác 6ha keo đã xâm phạm đến tài sản do 5 hộ dân xác lập trên 32ha đất xâm canh. Bởi lẽ, trong trường hợp, nếu đất mà HTX NNXDKDTH Ia Trôk được giao thời điểm năm 2020 để triển khai dự án thực sự chồng lấn lên đất của 5 hộ dân xâm canh từ năm 2015, thì các hộ dân vẫn có quyền sở hữu tài sản đã xác lập trên đất. HTX NNXDKDTH Ia Trôk muốn thu hồi đất được giao hợp pháp, thì phải bồi thường tài sản trên đất, cùng chi phí khai hoang 32ha đất cho 5 hộ dân. Thiết nghĩ, hành vi vi phạm pháp luật của đại diện HTX NNXDKDTH Ia Trôk sớm được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho 5 hộ dân.

Thành Nam