Đại úy, CCB Đỗ Mạnh Hùng ở thôn 6, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công, Trung đoàn 141 (Quân khu 5). Ông Hùng từng chỉ huy đơn vị đánh khu an dưỡng sĩ quan Mỹ và trại huấn luyện biệt kích tại căn cứ Thượng Đức ...

Tháng 5-1970, đơn vị ông được lệnh chuẩn bị cho hai trận đánh lớn. Một trận đánh vào khu an dưỡng của sĩ quan Mỹ đóng tại Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng) và một trận đánh căn cứ Thượng Đức (Quảng Nam). Trận chiến đầu tiên ở khu an dưỡng sĩ quan Mỹ, đơn vị ông đã tiêu hao nhiều sinh lực địch. CCB Đỗ Mạnh Hùng kể lại:

Trước khi vào trận chiến, chúng tôi phải luyện tập, treo võng nằm ngoài rừng hằng tháng cho hợp với khí hậu, thân thể bộ đội nhẹ hơn mỗi khi co mình hay hóp bụng luồn qua dây kẽm gai địch. Sau đó anh em xuống đất bôi thuốc chống chó béc-giê của địch và hóa trang bằng lá rau lang giã ra trộn với nhọ nồi. Người nọ chấm cho người kia, loang lỗ như màu đất, màu lá. Cán bộ, chiến sĩ tất thảy đều ở trần, chỉ mặc độc cái quần đùi.

Một buổi chiều tháng 5-1970, chúng tôi tiềm nhập căn cứ Bà Nà - Núi Chúa và dự định đánh từ 0 giờ đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Tôi phụ trách mũi chủ công của đơn vị. Đánh vào căn cứ Bà Nà - Núi Chúa, đơn vị chia ra ba mũi. Mũi chủ công được trang bị thêm một khẩu B40. Mỗi người chỉ có 1 con dao găm, 1 khẩu AK báng gấp, một số thủ pháo và cơ số đạn mang theo khoảng 300 viên.

Bà Nà - Núi Chúa là một căn cứ lớn được bảo vệ nghiêm ngặt, gồm một tiểu đoàn lính Mỹ và có cả chó béc-giê. Xung quanh căn cứ, địch xây nhiều lô cốt, trạm gác và giao thông hào đắp thêm trên mặt bằng bao cát. Khu an dưỡng của sĩ quan Mỹ đóng ở độ cao cách mặt biển trên 1.000m, từ chân núi lên đỉnh, dốc đá hiểm trở. Địch lại lợi thế trên cao;  bộ đội ta dưới thấp nên cũng phần nào bất lợi.

Để tiến công chắc thắng, mấy tuần trước khi đánh, anh em vào trinh sát, sau đó về khu tập kết thực hành đánh trận trên sa bàn. Khi mũi cuối cùng vừa qua được ba lớp hàng rào thì bị địch phát hiện. Hỏa lực địch từ các lô cốt bắn ra như mưa. Hai bộ phận vào trong buộc phải quay lại nổ súng vào tiểu đoàn lính Mỹ, bảo vệ đồng đội đến sau. Cuộc chạm súng quá chênh lệch về lực lượng. Hai bên đánh nhau khoảng 20 phút, lúc đó bắt buộc ta phải lộ diện. Các chiến sĩ đặc công lợi dụng địa hình núi đá đánh trả, hạ gục từng tên một. Trong đêm đó, ta không đánh được vào căn cứ an dưỡng sĩ quan Mỹ, mà chỉ có làm tê liệt tiểu đoàn lính Mỹ bảo vệ bên ngoài.

Trận giáp chiến thứ hai là đánh căn cứ Thượng Đức vào một đêm cuối tháng 5-1970. Mục tiêu là nơi huấn luyện biệt kích nên chúng bảo vệ rất nghiêm ngặt. Riêng vòng ngoài đã có Sư đoàn 5 Mỹ, vòng trong có 3 tiểu đoàn Mỹ và cả chó béc-giê để canh phòng 3 đồn đang huấn luyện biệt kích. Ngoài ra, địch còn có xe tăng, pháo binh và máy bay. Sau khi trinh sát các đặc công đơn vị về báo cáo lại địch bố phòng các nhà bạt, mỗi nhà bạt là 1 trung đội, lô cốt chốt hỏa lực (đại liên). Lô cốt, xe tăng và pháo binh của nó trực thăng cẩu từ chỗ khác đến đặt lại. Lần này địch đề phòng hơn, tăng cường các lực lượng cảnh giới bảo vệ sau gần một tháng trước bị đơn vị bạn đánh tê liệt.

CCB Đỗ Mạnh Hùng cho biết thêm: Địch còn sử dụng xe tăng chạy cố định trên đường ray vòng trong, vòng ngoài. Mỗi chiếc xe tăng có gắn đèn pha lớn bằng cái nia để đêm chúng chiếu lia xung quanh. Căn cứ Thượng Đức nơi huấn luyện lính biệt kích tinh nhuệ nên ngày đêm được chúng bảo vệ cẩn mật. Đèn pha đêm của chúng rất sáng soi rõ mọi góc ngách. Ngoài xe tăng đi tuần tra còn có lính bảo vệ và cả chó béc-giê. Khi đơn vị ông đến đánh, chiến thuật cũng như trận đánh khu an dưỡng sĩ quan Mỹ, đánh ba mũi đổ dồn vào trung tâm. Một mũi nhận nhiệm vụ chủ yếu đánh vào các trung đội địch, vì đến 5 giờ chiều chúng nó đi ngủ rồi. Khoảng 0 giờ đến 1 giờ sáng, ta mới nổ súng. Trước khi đánh, các chiến sĩ trinh sát báo cáo đã gắn thuốc nổ vào các nhà bạt, lô cốt; thả thủ pháo vào nòng pháo để phá bệ khóa nòng; khóa buồng lái máy bay rồi cho kích hoạt nổ. Sau đó các khẩu pháo của địch như pháo 105, 106, 107mm, mình gắn thủ pháo và ném từ nòng xuống, để khi thủ pháo của mình chạm vào bệ khóa nòng làm hư bệ khóa nòng pháo. Sau khi quân ta đồng loạt bấm nút kích hoạt nổ, mũi chủ công của tôi đánh vào sở chỉ huy chính nơi có cột ăng ten. Trận đó ta đánh gọn và rút ra an toàn…

Năm 1971, ông Đỗ Mạnh Hùng bị thương nặng và được đơn vị chuyển về bệnh viện tuyến sau điều trị. Chiến tranh kết thúc, ông phục viên với quân hàm Đại úy, thương binh hạng 3/4.

CCB Đỗ Mạnh Hùng nguyên là Phó đoàn CCB tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tỉnh Bình Phước. Ông cùng đoàn CCB tình nguyện tỉnh có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình tìm kiếm hài cốt, mộ liệt sĩ, cùng Đội K72, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước quy tập, cất bốc nhiều mộ liệt sĩ tập thể: khu vực cầu Cần Lê, khu vực sân bay quân sự Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh), khu vực xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp và vùng phụ cận sân bay quân sự Phước Bình (thị xã Phước Long)...  

Duy Hiến ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Mạnh Hùng