Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm, chúc Tết gia đình Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.

Chiều 20-3, UBND TP Hà Nội đã đề xuất mức chi hỗ trợ, trợ cấp đối với người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 0,7 lần mức chuẩn trợ cấp người có công.

Cụ thể, TP Hà Nội đang lấy ý kiến của người dân vào dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của TP Hà Nội.

Tại dự thảo tờ trình, UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ đô đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với hơn 800.000 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó có gần 80.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Theo quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng. Áp dụng mức chuẩn này, một số đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng còn thấp dưới mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của người trong hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 5-9-2021 của UBND thành phố (mức 2.500.000 đồng/người/tháng).

Cụ thể, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (Tiền khởi nghĩa), mức hưởng trợ cấp là 2.125.000 đồng/tháng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, mức hưởng trợ cấp là 1.722.000 đồng/tháng...

Cũng theo UBND TP Hà Nội, qua rà soát danh sách người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đa số người có công với cách mạng và thân nhân chủ yếu hưởng hằng tháng từ nguồn trợ cấp ưu đãi, không có lương hưu. Đa số người có công với cách mạng tuổi cao, sức khỏe yếu cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên.

Theo thực tế giải quyết chính sách ưu đãi người có công, số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng giảm do qua đời tăng đều theo các năm. Trung bình mỗi năm giảm hàng nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Chính vì vậy, hỗ trợ kịp thời người có công nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn thành phố là cần thiết và là một giải pháp đảm bảo về mặt an sinh xã hội và thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng và phù hợp với các quy định pháp luật, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần đối với người có công.

Tại tờ trình, cơ quan soạn thảo đưa ra 3 phương án về mức hỗ trợ đặc thù đối với người có công.

Cụ thể, phương án 1: Hỗ trợ trợ cấp 0,5 lần mức chuẩn người có công (theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ mức chuẩn trợ cấp là 2.055.000 đồng). Như vậy, người có công và thân nhân hằng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 1.027.500 đồng/tháng.

Phương án 2: Hỗ trợ trợ cấp 0,7 lần mức chuẩn trợ cấp người có công. Như vậy, người có công và thân nhân hằng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 1.438.500 đồng/tháng.

Phương án 3: Hỗ trợ trợ cấp 01 lần mức chuẩn người có công. Như vậy, người có công và thân nhân hằng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 2.055.000 đồng/tháng.

Mức hỗ trợ thay đổi khi quy định về mức chuẩn trợ cấp người có công thay đổi. Trường hợp 1 cá nhân thuộc nhiều đối tượng người có công nêu trên thì nhận hỗ trợ đối với 1 loại đối tượng.

Tuy nhiên, để đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, cơ quan soạn thảo đề xuất chọn phương án 2, hỗ trợ 0,7 lần mức chuẩn người có công (1.438.500 đồng). Với mức hỗ trợ này, kinh phí dự kiến là khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Theo QĐND