Qua cầu khỉ trên đường Trường Sơn.
(Bài dự thi viết “Hào khí Trường Sơn”)
Tôi nhập ngũ rồi vào chiến trường từ tháng 11-1970, mãi sang tháng 1-1971 mới về đến đơn vị là Tiểu đoàn cao xạ 40 thuộc Binh trạm 36, bảo vệ các trọng điểm đèo Bô Phiên, ngầm Sê Ca Mán… trên đất bạn Lào. Đầu năm 1973, đơn vị tôi được lệnh trở về Đông Trường Sơn, thuộc đội hình Quân khu 5, đứng chân ở sân bay Khâm Đức; sau đó về lập trận địa ở làng Hồi, miền tây Quảng Nam. Ở đây, chúng tôi vừa học tập chính trị, vừa huấn luyện, đánh máy bay, bảo vệ cho xe vận chuyển hàng của Quân khu.
Những ngày huấn luyện ở làng Hồi, chúng tôi được Chính trị viên Đại đội Trần Cộng đọc cho nghe bài thơ “Nước non ngàn dặm” mà ông chép tay khi đi tập huấn ở Trung đoàn. Bài thơ được bác Tố Hữu viết sau cuộc hành trình vào miền Nam (sau khi Hiệp định Pari được ký kết). Bài thơ rất hay, lại đề cập nhiều tên đất, tên người dọc đường Trường Sơn, nên chúng tôi dễ nhớ. Ví như: “Ngày nào cháu mới lên ba, gác canh cho chú trong nhà/ Nay giữa Phi Hà, “Dê” trưởng công binh…”.
Đơn vị chúng tôi ở làng Hồi, cách không xa làng Rô là địa bàn bác Tố Hữu hoạt động thời chống Pháp, nên những hình tượng, nhân vật trong bài thơ: “Tuổi thơ mà đã ngang tầm nước non”, hay: “Hỡi ông tuổi tám mươi tròn/ Ngực phanh mũi súng, tra đòn chẳng nao…” thật gần gũi, động viên khích lệ chúng tôi hăng say luyện tập, chiến đấu. Là người yêu, thần tượng thơ của nhà thơ Tố Hữu, tôi mong có ngày được gặp những nhân vật trong bài thơ của ông.
Rồi ước mong của tôi đã thành hiện thực. Năm 2010, tôi vừa nghỉ hưu, cũng là lúc Ban vận động thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Gia Bình, Bắc Ninh ra đời, do Đại úy Hoàng Đắc Mưu làm Trưởng ban. Tôi được chỉ định làm Phó ban phụ trách công tác tuyên truyền, nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều CCB, cựu TNXP Trường Sơn.
Ngày 19-8-2018, tôi cùng Chủ tịch huyện Hội - Hoàng Đắc Mưu dự cuộc họp với Ban liên lạc Sư đoàn 470 ở Bắc Ninh - Bắc Giang (Hà Bắc trước đây). Sư đoàn 470 là Sư đoàn binh chủng hợp thành đầu tiên của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Sư đoàn Anh hùng. Và đây là cơ duyên để tôi gặp được một trong những nhân vật trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” mà mình mong ước. Đó là Đại tá Cao Bạch Đằng. Qua trò chuyện, biết ông Đằng quê Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm Quý Mùi - 1943. Trong kháng chiến chống Pháp, khi ông còn nhỏ, gia đình ông đã nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có bác Tố Hữu. Mẹ ông dặn, đề phòng kẻ địch lần tìm cán bộ cách mạng, hằng ngày hễ có người lạ lảng vảng quanh nhà, phải báo cho mẹ biết… Năm 1960, ông Cao Bạch Đằng nhập ngũ và năm 1964 thì vào chiến trường Trường Sơn. Năm 1973 vào công tác ở Trường Sơn, bác Tố Hữu gặp ông Đằng, khi đó là Tiểu đoàn trưởng công binh. Thế mới có câu thơ: “Ngày nào cháu mới lên ba, gác canh cho chú trong nhà/ Nay giữa Phi Hà “Dê” trưởng công binh…”. Năm 2001, ông Đằng nghỉ hưu và về định cư ở tỉnh Bắc Ninh.
Được gặp nhân vật trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”, là Đại tá, trong Ban liên lạc Sư đoàn 470 Trường Sơn - Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn, tôi vừa thỏa nguyên ước mong ngày xưa, vừa như được “Hào khí Trường Sơn” tiếp lửa, để truyền cho lửa cho con em hội viên Trường Sơn tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng.
Lê Ba (Bắc Ninh)