Tổng thống Mỹ - Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un trong một cuộc họp tổ chức tại Hà Nội.

Cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội ngày 28-2 vừa qua không thể đưa ra được một tuyên bố chung, hay nói cách khác cuộc đàm phán đã đổ vỡ cho dù hai bên có thiện chí. Phía Mỹ sau đó nói Triều Tiên đòi hỏi quá nhiều về việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á này nhưng khi bài đã ngửa, phía Mỹ mới là bên đòi hỏi nhiều hơn, nhiều đến mức tuyệt đối.

Tại cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un ở Singapore tháng 6-2018, hai bên cam kết sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Một tháng sau khi cuộc họp Thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội đổ vỡ, hãng tin Reuters đã tiết lộ lý do thất bại của cuộc họp này. Ngày 30-3, Reuters cho biết Tổng thống Donald Trump đã trao tận tay cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un một văn bản có cả hai phiên bản tiếng Triều Tiên và tiếng Anh về quan điểm của Mỹ liên quan tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump trực tiếp bày tỏ quan điểm của Mỹ với Triều Tiên về khái niệm phi hạt nhân hóa "cuối cùng, hoàn toàn có thể kiểm tra". Ngoài nêu rõ định nghĩa của Mỹ về khái niệm "phi hạt nhân hóa", văn bản cũng yêu cầu Triều Tiên giao nộp vũ khí nguyên tử và nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ.

Chính đề nghị thứ hai này đã dẫn tới việc cuộc họp Thượng đỉnh lần hai bị ngừng đột ngột và không đạt được kết quả như kỳ vọng của hai bên. Ngoài ra, trong văn bản trên, Mỹ cũng yêu cầu Triều Tiên dỡ bỏ toàn bộ các cơ sở hạt nhân, ngừng các chương trình nghiên cứu trong các lĩnh vực có thể phục vụ cho cả các mục tiêu dân sự lẫn quân sự, ngừng các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo, xây dựng dàn phóng tên lửa...

Tài liệu bản tiếng Anh cũng kêu gọi Triều Tiên cung cấp thông tin toàn diện về chương trình hạt nhân; cho phép các thanh sát viên Mỹ và quốc tế quyền tiếp cận đầy đủ; tạm ngừng tất cả các hoạt động liên quan và xây dựng bất kỳ cơ sở mới; và chuyển tất cả các nhà khoa học và kỹ thuật viên chương trình hạt nhân sang các hoạt động thương mại.

Cho dù phía Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên vì cho rằng tài liệu mà Tổng thống Trump trao cho nhà lãnh đạo Triều Tiên thuộc diện hồ sơ mật, không thể phổ biến nội dung, nhưng việc Mỹ không phủ nhận thì có thể hiểu nội dung của văn bản mà Reuters công bố là có cơ sở.

Nếu đòi hỏi của phía Mỹ như vậy thì không chỉ Triều Tiên mà cả giới ngoại giao cũng thấy sốc. Washington đã đòi hỏi Triều Tiên ngay lập tức bỏ đi “tấm khiên” hạt nhân và tên lửa để bảo vệ quốc gia này trong khi không có gì bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng: Một ván bài ngửa chỉ có thể chơi khi hai bên thực sự tin cậy nhau mà thôi.

Tuy cuộc đàm phán đổ bể vì lý do trên nhưng những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình vẫn được duy trì. Cho dù có những tin đồn về việc Triều Tiên đang khôi phục các cơ sở thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, ông Trump vẫn không đồng ý việc Bộ Tài chính Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Bình Nhưỡng bởi ông cho rằng ông quý nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Các nước trong khu vực, nhất là Hàn Quốc, đều mong muốn Mỹ và Triều Tiên có thể nối lại tiến trình đàm phán tiến tới hòa bình, hòa giải và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Phía Mỹ, nhất là Tổng thống Trump, cũng đã thể hiện thiện chí và chìa cành ô-liu hòa bình. Thế nhưng nếu cứ ngửa bài theo kiểu “một đập ăn quan” như cách làm của Mỹ vừa qua ở Hà Nội thì rất khó để đẩy nhanh tiến trình này.

Ngọc Hưng