Đồng chí Nguyễn Song Phi (thứ hai, từ phải sang) trao đổi công việc với các cán bộ địa phương.

Ngày 24-6, Đoàn khảo sát số 3, Ban chỉ đạo T.Ư xây dựng Đề án mô hình tự quản của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, do đồng chí Nguyễn Song Phi - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo T.Ư làm Trưởng đoàn về làm việc tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cùng làm việc với Đoàn có đồng chí Phạm Thị Tuyến - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch  Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên.

Thị trấn Lương Bằng có 4 thôn, 11.038 nhân khẩu, bên cạnh hệ thống chính trị còn có 22 mô hình tự quản với 934 thành viên trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… Qua khảo sát thực tế tại địa phương, các mô hình tự quản tại cộng đồng đã chủ động, sáng tạo các hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2018, thị trấn Lương Bằng có 3.043/3.265 hộ đạt Gia đình Văn hóa, 4/4 khu dân cư đạt loại tốt, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” tặng 300kg gạo cho 30 hộ khó khăn; duy trì tốt các hoạt động thể dục dưỡng sinh, giao lưu văn hóa thể thao, làm 400m đường hoa ở Động Xá và Đồng Lý... Đặc biệt, trong 22 mô hình tự quản ở thị trấn Lương Bằng có sự tham gia rất tích cực và hiệu quả của lực lượng hội viên CCB trong 2 tổ giữ gìn an toàn giao thông, nên 12 năm qua không để xảy ra bất kỳ trường hợp tai nạn giao thông nào, 35 hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi…

Các ý kiến phát biểu với Đoàn khảo sát cũng bày tỏ mong muốn được các ngành chức năng giúp đỡ về nâng cao kiến thức chuyên môn, trang bị áo quần và phương tiện làm việc để các mô hình tự quản hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn. Sau khi làm việc với thị trấn Lương Bằng, đồng chí Nguyễn Song Phi và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Lê Doãn Chiêu