Các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị đa dạng, bảo đảm phục vụ người tiêu dùng.

Gần 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán 2024, các cửa hàng, siêu thị đã bắt đầu nhộn nhịp, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ, Sở Tài chính các địa phương cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Sẵn sàng thực phẩm, hàng hóa tết

Bộ Công thương vừa đưa ra dự báo, sức mua của thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn tăng khoảng 10% so với bình thường. Đại diện Lotte Mart dự báo, sức mua của người dân trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 20%. Để kích thích tiêu dùng, siêu thị sẽ tập trung vào các mặt hàng Tết như bánh kẹo, hộp quà tặng, nước uống và các mặt hàng thiết yếu. Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce thuộc Tập đoàn Masan - đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam (gồm hơn 3.600 siêu thị, cửa hàng WinMart/ WinMart+) thông tin, cùng với các loại hàng hóa thiết yếu và hàng Tết, trong dịp Tết Giáp Thìn, đơn vị có kế hoạch tăng sản xuất và cung ứng thịt heo “MeatDeli” và giò chả từ thịt mát cho thị trường. Trong khi đó Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhận định: Năm 2024, tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua có thể không dồi dào như các năm trước. Để ổn định thị trường, Công ty triển khai các chương trình giảm giá 10-20% vào các ngày cuối tuần để nhiều người tiêu dùng có thể sắm Tết.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho biết: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12-2023 đã tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù các tháng trong năm, thị trường bán lẻ có phần trầm lắng, nhưng sang tháng 12-2023 lại diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, đến tuần đầu tháng 1-2024, các địa phương như Hà Nội, T.P Hồ chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Tăng cường quản lý, điều hành bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán

Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 01 ngày 9-1-2024 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ thị nêu rõ: Trong năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm tại một số quốc gia; lạm phát toàn cầu tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu biến động tăng giảm liên tục, giá lương thực ngày càng tăng.

Trong khi đó, thị trường trong nước cho thấy các tín hiệu tích cực hơn, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu cơ bản bình ổn, đáp ứng nhu cầu của người dân; hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; các hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu; bên cạnh đó mặt hàng xăng dầu vẫn có diễn biến giá phức tạp, chịu nhiều tác động của thị trường thế giới.

Những thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Cùng với đó là công tác quản lý, điều hành giá đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dự báo, năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố biến động khó lường của thị trường thế giới do tác động từ các xung đột chính trị, việc các quốc gia ngày càng có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, tăng cường dự trữ quốc gia sẽ ảnh hưởng đến cung, cầu hàng hóa khiến giá cả có thể diễn biến phức tạp.

Nhằm tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp. Cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính yêu cầu, Cục Quản lý giá chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; tham mưu kịp thời trình Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát…

Võ Hóa