Vợ chống Hoàng Tuấn - Minh Cử những ngày ở Trường Sơn.
Sang năm 1970, tôi và Nguyễn Minh Cử biết nhau và có tình cảm với nhau ở Trường Sơn cũng đã hai năm. Thủ trưởng và anh em trong đơn vị động viên nên tổ chức cưới. Nhưng giữa thời buổi đạn bom giặc giã thế này, cưới ở Trường Sơn, hay cả hai xin nghỉ về quê tổ chức đám cưới là không hề đơn giản! Lúc này, tôi đang là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải thuộc Binh trạm 14; còn Minh Cử là quân y sĩ Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559.
Mùa mưa năm đó, nhận nhiệm vụ đưa Đội văn nghệ Binh trạm 14 lên phục vụ Hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô 1969-1970 của Bộ Tư lệnh, được lãnh đạo đơn vị ủng hộ, tôi và Minh Cử đã quyết định tổ chức cưới ở Trường Sơn. Nhớ lại lần đó, một tối ở cơ quan Cục Chính trị đóng ở cây số 4 đường 18, trong chiếc “lều thơ” (lều dành cho các nhà văn, nhà thơ Trọng Khoát, Phạm Tiến Duật… làm việc, sang tác), tôi và Minh Cử đã bàn bạc rất nghiêm túc chuyện cưới xin. Bên ngọn đèn dầu đỏ quạch, hai cái đầu chụm vào nhau, rất đắn đo, tôi hỏi Cử:
- Cứ tổng công kích hết đợt này đến đợt khác, hết mùa khô này đến mùa khô khác, không biết chúng mình yêu nhau đến bao giờ mới cưới được?
- Em cũng chẳng biết nữa - Minh Cử buồn buồn trả lời.
- Hay là ta báo cáo tổ chức cho cưới. Chuyện chúng mình yêu nhau, gần như từ trên cơ quan Bộ Tư lệnh xuống các binh trạm, mọi người đều biết.
- Cưới ở đâu được anh? - Minh Cử hỏi.
- Ta báo cáo tổ chức rồi xin nghỉ, về quê cưới. Năm nay, anh cũng đã 26 tuổi rồi.
Tôi phải tính đến tuổi tác, vì khi đó Binh trạm 14 quy định nam phải từ 26 tuổi trở lên mới được xin phép nghỉ để cưới vợ.
- Nhưng em đang là đảng viên lớp Hồ Chí Minh; báo cáo xin nghỉ để cưới có ảnh hưởng gì không? - Minh Cử có vẻ băn khoăn!
Sau buổi tối bàn bạc với Minh Cử, tôi trao đổi ý định của mình với một vài anh ở Cục Chính trị, qua đó cũng nói băn khoăn của Cử. Các anh đều ủng hộ. Có anh còn vui vẻ nói: Chúng mày yêu nhau đến cũ mất rồi. Chiến tranh biết đến bao giờ kết thúc. Đảng viên cũng là người, cũng phải lấy vợ, lấy chồng chứ?
Nhân dịp anh Hoàng Trá - Binh trạm trưởng và anh Bùi Thế Tâm - Chính ủy Binh trạm đang dự họp quân chính ở Bộ Tư lệnh, tôi sang gặp, đề đạt ý định của mình; các anh đều đồng ý. Anh Tâm còn gợi ý nên cưới ở đây. Anh còn nhắc tôi: Tuấn là cán bộ chính trị, phải gương mẫu.
Thú thực, lúc đó tôi không hiểu sao Chính ủy binh trạm lại nhắc phải gương mẫu. Sau này, qua tìm hiểu, mới biết trước đó có một vài đôi yêu nhau ở trong tuyến, báo cáo tổ chức xin về quê cưới; đơn vị cũng phân phối động viên một ít bánh kẹo, thuốc lá… Nhưng, ra khỏi cửa rừng, hoặc về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội, thì anh đi đằng anh, ả đi đằng ả.
Lúc đó, vì chưa hiểu ý anh Tâm, nên tôi trình bày: Hai đứa chưa xin ý kiến gia đình mà cưới ở đây, sợ gia đình phản ứng. Anh Tâm bàn thêm:
- Các cậu cưới ở đây xong, về báo cáo hai gia đình cũng không sao. Vả lại, cưới rồi mà ở đây thì ngủ nghỉ ở đâu?
Nghe Thủ trưởng nói, chúng tôi quyết định cưới ở Trường Sơn, sau đó sẽ về báo cáo với hai gia đình. Chuẩn bị cưới mới có nhiều chuyện phát sinh. Đăng ký kết hôn ở đâu cũng là một chuyện. Không thể “cưới chui” được! Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định về địa bàn hậu cứ Bộ Tư lệnh ở Cổ Giang, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình để đăng ký kết hôn. Bác Lê Xi - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 đích thân viết thư đề nghị Ủy ban Hành chính xã Hưng Trạch giúp chúng tôi về thủ tục.
Chiều ngày 27-8-1970, tôi và Minh Cử ra Hưng Trạch. Các anh chị ở Ủy ban xã tiếp đón chúng tôi niềm nở, thủ tục làm nhanh gọn. Giấy đăng ký kết hôn là loại giấy giang, màu nâu, thô ráp. Tôi tặng cán bộ xã mấy bao thuốc lá Hoàn Kiếm bao bạc, một gói trà Thảo Nguyên và mời họ tới dự cưới. Mọi người cảm ơn, nhưng nói là không tới dự được, vì thời chiến, không tập trung đông.
Ngày cưới đến mà Minh Cử không có lấy một bộ quần áo nào khác quân phục. May mà Viện quân y 59 đóng gần đó, nên mấy cô em ở viện cho mượn một chiếc áo phin trắng, quần đen. Còn tôi đã có quân phục mới, thế là thành áo cưới!
Cùng ra giúp tôi chuẩn bị tổ chức đám cưới có các anh Doãn Tiến Phượng, Lê Văn Trà, Lê Hồng Huân. Anh Huân mang theo một chiếc máy nổ ậm ạch ra để phục vụ âm thanh, ánh sáng. Đám cưới được tổ chức trong hội trường là hầm bán âm của đơn vị. Anh Nguyễn Văn Thủy - Trợ lý chính trị cho cắt khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và câu đối “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà/ Thắm tình Tổ quốc thắm tình ta” dán lên hai chiếc vỏ chăn rồi cho căng lên hai bên hội trường, trông rất vui mắt.
Trưa ngày 28-8, anh Hà Dư và mấy anh em Đại đôi 1 đi xe từ tuyến trong ra dự cưới. Xe dừng, anh Hà Dư vác một bao tải đi vào. Đến chỗ tôi, anh đặt bao tải xuống và hổn hển nói:
- Tuấn ơi, tao thay mặt anh em trong Đại đội mang bánh bích quy ra cho chúng mày cưới đây!
Lễ cưới của vợ chồng tôi thật đạm bạc nhưng vui muốn nổ trời. Pha trò rôm rả nhất là anh Hoàng Thực - anh trai ca sĩ Hoàng Chè (Văn công Trường Sơn) và anh Trọng Khoát. Khi một anh hát thì mấy anh khác lấy nắp xoong, nồi gõ lanh canh đệm nhạc. Các cháu bé trong làng kéo đến xem cưới rất đông; chúng kháo nhau như xem văn công. “Bộ phận hậu cần” lấy bánh kẹo chia cho mỗi đứa vài chiếc, cảnh tình vui đáo để...
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể, Việt Hưng ghi