Một chuyện rất nghiêm túc được bàn đến trong những câu chuyện vỉa hè mà tôi lượm lặt được là: “Đảng Cộng sản Việt Nam có thể cầm quyền trong bao lâu?”.

Người tử tế, ai cũng mong Đảng ta cầm quyền bền vững, cầm quyền mãi mãi, cho đến ngày đất nước ta xây dựng chủ nghĩa cộng sản thành công, đến ngày mà mọi công dân Việt Nam “làm theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu”. Nhưng con đường đó còn rất dài, chúng ta vẫn đang ở thời kỳ quá độ và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chưa thể khẳng định cụ thể thời điểm nào thì nước ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Phép biện chứng duy vật cũng khẳng định, không có gì là vĩnh viễn, việc Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền cũng vậy. Dân ta có câu: “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”...

Vì thế, làm thế nào để Đảng ta cầm quyền bền vững là một vấn đề rất nghiêm túc! Có người đã nêu ra công thức giản dị: “Công chức làm đúng, doanh nhân làm giàu” và cho rằng, chỉ cần làm được như thế, Đảng ta sẽ cầm quyền bền vững.

“Công chức làm đúng” là nhấn mạnh ý thức pháp quyền. Đảng cầm quyền thì phần lớn công chức nhà nước sẽ là đảng viên. Đảng viên mà gương mẫu, làm đúng, có ý thức thượng tôn pháp luật thì sẽ chống được tiêu cực, tham nhũng; bộ máy chính quyền trong sạch thì vai trò cầm quyền của Đảng sẽ mãi mãi vững bền.

“Công chức làm đúng” là điều vô cùng gian nan. Ở cấp vĩ mô đã có nhiều tiền lệ về vấn đề này. Độc tài Pắc Chung Hy (Park Chung Hee) - Tổng thống Hàn Quốc, người có công lớn trong sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc, nổi tiếng là người có “bàn tay sắt” trong chống tham nhũng. Vì vậy, dù độc tài, người Hàn Quốc vẫn không thể phủ nhận công lao của ông này. Thủ tướng Singapore - Lý Quang Diệu cũng vậy, ông luôn coi trọng việc thực hiện các cam kết với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chuyện kể rằng, năm 1973 xảy ra khủng hoảng dầu lửa, nếu Singapore ngăn chặn xuất khẩu thì lượng dầu dự trữ của các công ty quốc tế đặt tại Songapore đủ cho nước này dùng trong 2 năm. Nhưng Lý Quang Diệu không làm như vậy, ông gặp các doanh nghiệp dầu và cam kết: Sẽ đồng cam cộng khổ cùng các doanh nghiệp, các công ty cứ việc xuất khẩu dầu theo kế hoạch. Việc làm đó đã tạo ra niềm tin lớn của các công ty quốc tế.

Còn ở cấp vi mô, “công chức làm đúng” còn khó hơn gấp vạn lần. Đồng lương công chức còn khó khăn, không đủ nuôi gia đình, những hành động “tham nhũng vặt” rất khó tránh. Nhưng chỉ khi nào chúng ta chống “tham nhũng vặt” thành công thì niềm tin của người dân vào Đảng mới được bảo đảm. Người dân không nghi ngờ mục đích, lý tưởng của Đảng, nhưng niềm tin của họ chỉ được hình thành và củng cố từ chính hành động, việc làm của đảng viên, công chức ở cơ sở.

“Doanh nhân làm giàu” lại là một câu chuyện khác. Truyền thống của một đất nước tiểu nông khiến trong một thời gian dài, người giàu bị khinh miệt, người kinh doanh bị gắn mác “buôn gian, bán lận”. Trong chuyện cổ tích Việt Nam, gần như chẳng có nhà giàu nào tử tế, hầu hết đều bị xây dựng hình ảnh là những người tham lam, độc ác. Ngay cả Kinh Thánh của phương Tây còn viết, người giàu vào nước Thiên Chúa khó như con lạc đà chui qua lỗ kim...

Cùng với quá trình đổi mới, tư duy của Đảng ta về kinh tế tư bản tư nhân, về lớp doanh nhân cũng ngày một khác đi. Từ Đại hội X của Đảng, chúng ta đã bỏ cụm từ “không bóc lột” trong tiêu chuẩn đảng viên và có quy định về việc kết nạp người làm kinh tế tư nhân vào Đảng. Khóa XII này, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân “Trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”. Ngày 13-10 hằng năm được Chính phủ quyết định lấy làm “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Người giàu ở Việt Nam đã được tôn vinh xứng đáng.

“Dân dĩ thực vi thiên”, “Có thực mới vực được đạo”..., từ xa xưa, ông bà ta đã quan niệm như vậy. Đã có một thời kỳ, Đảng ta có một thế hệ đảng viên xuất chúng, trong sạch, một lòng một dạ theo Đảng với ước muốn “cơm nắm, quà cà với tấm lòng cộng sản, đi xây dựng CNXH”. Nhưng rồi sau đó, chúng ta nhận thấy không thể tiến lên CNXH chỉ bằng ý chí. Dân nghèo thì không thể có nước mạnh. Cứ để dân đói nghèo mãi thì “Độc lập dân tộc và CNXH” cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Vì thế, trách nhiệm của Đảng là xây dựng thể chế và bộ máy đủ mạnh để bảo đảm cho mọi công dân được tự do làm giàu. Dân giàu thì nước mạnh, nước mạnh thì Đảng cầm quyền vững bền.

“Công chức làm đúng, doanh nhân làm giàu” - một công thức và cũng là một mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần hướng tới.

Hà Thanh