Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Trong đại dịch COVID-19 tồn tại 2 cuộc chiến. Đó là cuộc chiến vì sinh mệnh của con người và cuộc chiến bảo vệ sinh kế của người lao động. Doanh nhân chính là chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ sinh kế cho người lao động, họ cũng chính là "lính thời bình" trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Lực lượng đi đầu trong lĩnh vực kinh tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm cho đội ngũ doanh nhân. Ngày 13/10/1945, không lâu sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giữa bộn bề việc nước, Bác đã viết thư gửi cho giới Công thương Việt Nam. Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử đó, mà còn thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.

Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.

Đến nay, sau nhiều năm đổi mới, cùng với sự tin yêu và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, trong nhiệm kỳ XII, Đảng ra Nghị quyết 10 khẳng định chủ trương xây dựng khu vực tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng, yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Doanh nhân được tôn vinh là người lính thời bình, là Anh Bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ dựng xây đất nước”.

Ông Lộc cho biết thêm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và ông kêu gọi phải xoá bỏ mọi định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân.

Hơn 3 thập kỷ qua, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đã phát triển bừng nở, đáng tự hào. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi chịu sào, gần 800.000 doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết 09 về Xây dựng đội ngũ doanh nhân.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng; đã hình thành một số thương hiệu lớn và trở thành bạn hàng uy tín với đối tác quốc tế. Doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách, cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

“Những tháng ngày qua, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ mang tên COVID-19. Một thử thách chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: Khống chế được dịch bệnh và duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân.

Chúng ta đặc biệt trân trọng các doanh nhân đã vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, chịu thua, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì doanh nghiệp. Họ xứng đáng là những dũng sỹ, những anh hùng”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Nỗ lực vươn lên giữa đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm.

Tính chung 9 tháng, GDP tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 . Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội”.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó, nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 20,2%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,2%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%).

Không thể phủ nhận dịch COVID-19 đã có những tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp “lao đao”, gặp nhiều khó khăn, thậm chí không ít doanh nghiệp phá sản.

“Tuy nhiên, cũng trong dịch COVID-19, chúng ta cũng thấy được năng lực cạnh tranh cốt lõi mang tinh thần dân tộc của người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam lại được khơi dậy, đó là khả năng thích ứng và chống chịu, sự cố kết vững chắc của cả hệ thống chính trị mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Việt Nam vẫn đang là ngôi sao hy vọng, một địa điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới đầy bất ổn”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước mặc dù còn gian nan, nhưng tinh thần lạc quan, kiên cường, khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt cũng bừng dậy trong dịch COVID-19. Theo kết quả khảo sát mới đây nhất của VCCI, có tới 72,8 % doanh nghiệp Việt cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất trong quý IV, chỉ có 17,3 % có kế hoạch phải thu hẹp, tạm ngừng hoặc giải thể. Kết quả đó thấp hơn nhiều so với các năm trước, nhưng tích cực trong bối cảnh có nhiều sóng gió hiện nay.

Đây cũng là giai đoạn bản lĩnh của nhiều doanh nhân được thể hiện để đưa doanh nghiệp trụ vững, tìm cơ hội phát triển mới. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; rà soát, tìm kiếm thị trường cung cấp, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa; nhanh nhạy phát triển sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh...

Điển hình như câu chuyện của công ty May Hồ Gươm. Mặc dù cũng gặp khó khăn, hiện công ty May Hồ Gươm mới chỉ đạt được 60% lượng đơn hàng so với kế hoạch, nhưng điều khiến cho lãnh đạo cũng như nhân viên của công ty vui mừng đó là tại các xưởng của May Hồ Gươm, công nhân không những không phải thay phiên nhau giảm giờ làm, mà còn phải tăng tốc độ, năng suất, làm thêm giờ… Người lao động của công ty chưa phải giảm thu nhập, công nhân ở các nhà máy trú đóng tại các tỉnh xa hoặc gần thành phố, có mức thu nhập từ 5,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đây là “điều lạ” trong thời “khát đơn hàng”.

Sở dĩ được như vậy bởi công ty đã có những bước chuyển đổi cho phù hợp với tình hình dịch COVID-19, ngoài may khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, thì những xưởng may veston chuyển sang may hàng vest nữ loại thời trang thông thường cho Mango, Zara, Walmart và các loại quần áo cơ bản cho các thương hiệu may mặc trung bình khác.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm chia sẻ, bí quyết của May Hồ Gươm chính là đội ngũ nhân lực cao tay nghề, giàu kinh nghiệm, gắn kết như anh em ruột thịt trong nhà. Cùng với đó, doanh nghiệp quyết liệt làm vượt mức mong đợi của khách hàng, hoàn thành xuất sắc những hợp đồng có trong tay, để tự hào rằng mình phục vụ tốt nhất.

“Nhiều khách hàng chậm tiền 3 tháng, thậm chí có nơi trả lời bao giờ có tiền sẽ trả, nhưng May Hồ Gươm vẫn nhận hàng, thậm chí sẵn sàng vay ngân hàng để trả lương cho người lao động nhờ sự tin tưởng vào năng lực và chiến lược nhận đơn hàng khác biệt. Tập đoàn chấp nhận giảm giá gia công, không nghĩ đến lợi nhuận; chấp nhận các phương án nhất thời của khách hàng, nhận nguyên liệu, sản xuất trước hàng, lưu kho cho năm 2021 với những mặt hàng cơ bản, không phải hàng thời trang hoặc các mặt hàng quần áo đồng phục… Tập đoàn cũng coi người lao động là trung tâm phát triển, nên cho dù tới đây, đơn hàng thiếu, thì doanh nghiệp sẽ dành thời gian đó để phát triển năng lực cho đội ngũ. tận dụng thời gian, không để thời gian chết”, ông Phí Ngọc Trịnh cho hay.

Nhiều công ty có sáng kiến phát triển trong dịch COVID-19 như Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery). Từ ý tưởng "giải cứu" nông sản bị ùn ứ vì không xuất khẩu được do dịch COVID-19, công ty đã nghiên cứu, sản xuất bánh mì thanh long, sầu riêng để góp phần hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Và từ ý tưởng này, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm khác cũng đã nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm bún, bánh tráng, bánh phở, mì sợi... kết hợp các loại rau củ. Với những sáng tạo này, các doanh nghiệp không chỉ góp phần khơi thông đầu ra cho nông sản, mà còn gia tăng được lợi nhuận khi sở hữu sản phẩm độc đáo, được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng.

Cùng với đó, hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác cũng đang ra sức nỗ lực, cố gắng từng ngày để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động...

Kỳ vọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý “tiếp sức” cho doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ vui mừng trước những nỗ lực và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn còn không ít trăn trở, băn khoăn cho chặng đường sắp tới.

“Trải qua hơn 3 thập kỷ hồi sinh, chúng ta vui mừng vì đã có một cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng chúng ta cũng chưa thể hài lòng vì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt tuy đã đông nhưng còn chưa đủ mạnh. Việt Nam đã có những tỷ phú đầu tiên và không ít doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp Việt được thế giới biết đến, nhưng chúng ta chưa có được cả một thế hệ các nhà doanh nghiệp và các thương hiệu  sánh vai với các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực”, ông Lộc cho hay.

Nhiều “đại gia” của chúng ta cho tới nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng…Số làm công nghiệp - công nghệ "make - in - Viet Nam", "Make - by - Viet Nam" chưa nhiều. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều doanh nghiệp chưa cao. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.

Cùng với đó, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực. Những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA…, cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh... đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi. Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn - bé - nhỏ - vừa đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn.

Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp.

Đại diện VCCI cho biết, để yểm trợ cho những nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cải cách thể chế kinh tế có vai trò dẫn dắt mở đường.  Để tiếp tục cải cách thể chế, Đại hội Đảng lần thứ XIII có vị trí vô cùng quan trọng. Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời 2021 - 2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng tròn 100 năm chúng ta kỷ niệm ngày độc lập.

“Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng các Nghị quyết của Đảng tại Đại hội XIII sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, và hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải lọt vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN và vươn tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.

Giúp cho các doanh nghiệp lớn lên, phát triển quy mô doanh nghiệp là cần thiết vì đất nước đang rất cần có thêm nhiều doanh nghiệp cỡ lớn, cỡ vừa để tạo ra những trung tâm liên kết, các đầu tàu của nền kinh tế. Nhưng nâng cấp chất lượng các doanh nghiệp mới chính là điều cốt lõi. Chúng ta tin tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục khởi động một giai đoạn đột phá thể chể chế để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các chuẩn mực toàn cầu. Đó chính là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh

Đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết, trong quá trình 75 năm, Đảng và Nhà nước đã có nhiều lần thay đổi về cơ chế chính sách và đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp mới có được ngày hôm nay. Thế nhưng bên cạnh thành công của một số doanh nghiệp Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn. Cùng với việc thế giới thay đổi thất thường theo chiều hướng không có lợi cho Việt Nam, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục phát triển bằng cách tái cấu trúc lại, thay đổi thị trường sản phẩm cho phù hợp.

Để giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân, ông Nguyễn Mạnh Thản đề nghị Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm tới thể chế. Hiện nay, các văn bản luật và dưới luật đã lạc hậu chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế của cuộc sống, gây tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân.

Còn ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hy vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2, tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Phạm Văn Thể kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời với việc công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

TTXVN