Tổng thống Mỹ - Donald Trump không phải nguyên thủ một quốc gia đầu tiên mắc Covid-19. Trước ông đã có Thủ tướng Anh, Tổng thống Brazil mắc căn bệnh này. Thế nhưng, vì là Tổng thống của Mỹ và việc ông cùng phu nhân và một loạt phụ tá mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này chỉ đúng một tháng trước ngày bầu cử Tổng thống (3-11) sự kiện được dư luận hết sức quan tâm.

Ở Mỹ hiện nay, người ta không quan tâm tới việc truy vết nguồn gốc lây nhiễm bệnh cho Tổng thống để khoanh vùng dập dịch, bởi đơn giản đó không phải là phương pháp được Mỹ áp dụng. Sự quan tâm dồn vào việc khi nào ông Trump ra viện và liệu ông có thể tiếp tục tham gia tranh luận trên truyền hình lần thứ hai vào ngày 15-10 với đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ hay không. Cũng có câu hỏi đặt ra là liệu ông có đủ sức khỏe để tiếp tục dẫn dắt nước Mỹ nốt nhiệm kỳ của mình hay không, hay phải chuyển giao quyền lực? Trong khi đó, các quốc gia khác một mặt chúc mừng ông Trump và phu nhân chóng khỏi bệnh, một mặt cũng phải toan tính xem ai sẽ là người lãnh đạo nước Mỹ từ năm tới trong điều kiện ông Trump đã đang kém điểm trước đối thủ trong cuộc chạy đua ở lại Nhà Trắng giờ lại mắc Covid-19 ở tuổi 74, trong khi chiến dịch tranh cử đang vào thời điểm quyết định. Quả là một người ốm, triệu người lo.

Ở Mỹ cũng còn một thực tế nữa. Cho dù ông Trump và phu nhân đã được đưa đến bệnh viện quân đội Walter Reed để chữa trị và trước cửa bệnh viện vẫn có đông người tập trung bày tỏ sự ủng hộ đối với ông nhưng cũng có nhiều người đến đó để phản đối ông. “Ốm tha, già thải!”, nhưng ở Mỹ thì đâu phải thế, cho dù người đó là Tổng thống.

Nam Long