Ảnh chụp ngày 28-9 do KCNA công bố, cho thấy loại tên lửa siêu thanh Hwasong-8 mà Triều Tiên mới phát triển.
Washington lại một lần nữa chủ động “chìa cành ô-liu”, nhưng những gì nhận được lại là lời từ chối thẳng thừng của Bình Nhưỡng. Tương lai về việc nối lại đàm phán nhằm giải quyết những bế tắc trong việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên vốn u ám lại càng trở nên mù mịt hơn, nhất là khi Triều Tiên vừa có các vụ thử tên lửa siêu thanh mới.
Hết thử đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo rồi tên lửa hành trình, Hãng thông tấn T.Ư Triều Tiên (KCNA) lại xác nhận lần đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh mới phát triển có tên Hwasong-8. Sở hữu được tên lửa siêu thanh là niềm mơ ước của nhiều quốc gia bởi tên lửa siêu thanh có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất hiện nay. Theo thông tin công khai, trên thế giới hiện chỉ có Nga và Trung Quốc được biết đến là hai quốc gia đang sở hữu các tên lửa siêu thanh “có thể được triển khai”. Trong cuộc duyệt binh hồi năm 2019, Trung Quốc trình làng tên lửa siêu thanh DF-17 có tầm bắn tối đa 2.500km. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng thông báo đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh có tốc độ hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Với những bước tiến lớn về mặt quân sự, rõ ràng Triều Tiên lại có thêm lợi thế để đàm phán với Mỹ nếu cuộc đàm phán này diễn ra. Như vậy, việc Triều Tiên từ chối đề nghị đàm phán của Mỹ, dù đề nghị vô điều kiện, là điều dễ hiểu. Theo Yonhap, phát biểu tại phiên họp Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 29-9, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng: “Chính sách thù địch” của Mỹ nhằm vào Triều Tiên vẫn chưa thay đổi kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền và đề nghị đối thoại vô điều kiện của Mỹ không mang tính thực chất. Rõ ràng, Triều Tiên mong chờ Mỹ làm nhiều hơn thế, cụ thể là việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận kéo dài bấy lâu nay nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á này.
Triều Tiên tỏ thái độ rất kiên quyết, nhưng Mỹ cũng kiên trì đeo bám. Sau khi Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố nói trên, Washington ngay lập tức lên tiếng bác bỏ và hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Nước Mỹ không che giấu một ý định nào mang tính thù địch đối với Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng gặp Cộng hòa DCND Triều Tiên vô điều kiện. Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ phản hồi tích cực với đề nghị của chúng tôi”. Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên - Sung Kim cũng cho rằng, các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên không ảnh hưởng tới quyết tâm của Mỹ tìm kiếm con đường ngoại giao với Bình Nhưỡng nhằm tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, thế bế tắc trong phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có lời giải. Vậy nhưng, trong khi gạt “cành ô-liu” mà Washington chìa ra, Bình Nhưỡng lại bật đèn xanh trong quan hệ liên Triều. Tại phiên họp ngày 29-9-2021, ông Kim Jong Un tiết lộ Triều Tiên sẽ nối lại các kênh liên lạc với Hàn Quốc vào đầu tháng 10 này như một phần nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo rằng tương lai của mối quan hệ này phụ thuộc vào phía Hàn Quốc.
Có thể thấy, vòng luẩn quẩn trong quan hệ Mỹ - Triều và liên Triều cứ lặp đi lặp lại nhưng không theo một chu kỳ nào. Dưới thời của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, mọi bế tắc tưởng chừng sẽ được phá bỏ khi hai bên có cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore vào tháng 6-2018 và chỉ hơn 1 năm sau, hai nhà lãnh đạo lại có cuộc gặp ở khu phi quân sự biên giới hai miền Triều Tiên. Quan hệ liên Triều từ đó cũng hứa hẹn nhiều đột phá với việc nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung liên Triều cùng nhiều dự án hứa hẹn. Thế nhưng, khi Triều Tiên đã thoả hiệp một phần bằng việc đồng ý cho các quan sát viên tới thị sát việc phá huỷ một số cơ sở hạt nhân Mỹ động thái của Mỹ vẫn chưa làm Triều Tiên hài lòng. Đàm phán lại rơi vào bế tắc khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ - Joe Biden cũng khó tìm được một hướng đi mới trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. Vấn đề còn nằm ở chỗ Triều Tiên vẫn chưa tin Mỹ đã chìa cho mình một cành ô-liu chân thật.
Thanh Huyền