Tôi chỉ nhớ đây là bài thơ được in vào sách “Quốc văn giáo khoa thư” dùng làm “bài học thuộc lòng” cho học sinh bậc Tiểu học trong chương trình giáo dục của chế độ cũ.

Bài thơ không dài, chỉ gói gọn trong 10 câu lục bát. Nhưng với óc quan sát tinh tế, tác giả đã vẽ nên một bức tranh (bằng thơ) với những hình ảnh đẹp, sống động, giàu cảm xúc về chủ đề hiếu học.

Nhân vật em trong bài thơ là chỉ một học sinh tiểu học nói chung, không phân biệt giới tính, vì trước Cách mạng Tháng Tám, con trai đi học cũng thường mặc áo dài, chân đi guốc hoặc dép.

Thời của em, phải đến 90% người dân sống trong cảnh nghèo túng do bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột (một cổ hai tròng). Nhưng dù nghèo, cha mẹ vẫn cố cho con ăn học, mong có ngày đỗ đạt, thành tài, cuộc sống sẽ được đổi đời. Còn đối với các em, chỉ riêng việc được cắp sách đến trường đã là niềm hãnh diện lớn, không quản gì vất vả, thiếu thốn. Đó là truyền thống hiếu học vô cùng quý báu của dân ta.

Ở đây, tác giả đã lấy bối cảnh trời mưa để làm nền cho bài thơ. Vì trời mưa, cái nghèo sẽ không còn chỗ để giấu mình. Các cụ xưa chẳng đã nói: “Cái khó bó cái khôn” đó sao!

Mở đầu bài thơ là tiếng trống trường dục dã:

“Trống trường đã điểm từng hồi.

Em còn dò dẫm ngoài trời đội mưa”.

Đọc tiếp thì thấy toát lên ý của tác giả: Đạo học cả xưa và nay đều dạy con người ta “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Dù nhà nghèo vẫn phải ăn mặc chỉnh tề: áo dài, chân đi guốc (hoặc dép) đến trường. Chỉ có điều, em đi học trong cảnh trời mưa, mà:            

“Trên đầu không nón che mưa”.

Thì thật ái ngại! Tuy thế, vẫn còn có vạt áo dài để che đầu thay nón. Cực nhất là dưới chân:

“Có đôi guốc vẹt lại vừa đứt quai”.

Tác giả đã đẩy tình cảnh của em tới cao trào, kịch tính nhưng không hề “kịch” chút nào. Trời mưa, đường trơn, tiếng trống trường dục dã nên mới ra cơ sự.

Thường thì: làm thơ khâu chọn ý, dùng từ quan trọng hàng đầu. Ở đây, tác giả vừa giỏi chọn ý lại khéo dùng từ. Như câu:

“Có đôi guốc vẹt lại vừa đứt quai”.

Dù có dùng cả trăm lời để nói về sự trung thành, tận tụy phục vụ chủ - của đôi guốc, thì cũng không bằng một trạng từ “vẹt” của tác giả trong câu thơ trên. Bởi nó cho người đọc thấy ngay cái mòn ghê gớm, mòn hết sạch cả gót, mòn đến tận thân guốc. Đồng thời, chữ “vẹt” cũng có sức lột tả (tả chân) được cái nghèo. Nếu gia đình khá giả thì em tội gì phải đi guốc vẹt, vừa kém mỹ quan lại thập thễnh khó đi.

Cái đôi guốc vẹt đứt quai ấy, có quăng đi cũng đáng đời. Nhưng sau đó thì sao? Không thể cứ áo dài chân đất đến trường, nên em đành phải:

“Tay em che vạt áo dài.

Một tay xách guốc, sốc hai ống quần”.

Lời thơ cho người đọc một cảm nhận: Cả con người em căng ra. Tứ chi hoạt động để chống chọi với trời mưa, đường trơn. Đồng thời cũng lồ lộ một hình ảnh cực kỳ sống động, vừa điển hình, vừa chân thực, tự nhiên không sắp đặt. Đặc biệt, với thế hệ độc giả thuộc lớp “hàn sĩ” năm xưa thì lại càng “Đồng bệnh tương liên”, tưởng như chính con người mình đang ẩn hiện trong đấy, hay ít ra cũng đã gặp ở đâu đó hình ảnh thân thương này.

Sự tinh tế, sắc sảo của tác giả còn được thể hiện tiếp ở câu 7, câu 8 (đoạn cuối):

“Bùn sâu đến mắt cá chân.

Sách em ấp ngực mấy lần chực rơi”.

Lại thêm cái nghèo nữa của em được tác giả miêu tả gián tiếp. Đó là: em đi học không có cặp đựng sách. Nếu có cặp sách đeo vai thì đâu phải:

“Sách em ấp ngực mấy lần chực rơi”.

Chao ôi! Cũng như mọi người, em chỉ có hai chân, hai tay. Vậy mà: hai chân thì dò dẫm trên đường “bùn sâu đến mắt cá chân”. Hai tay: “Một tay xách guốc sốc hai ống quần”. Một tay vừa kéo vạt áo dài lên đầu che mưa vừa phải ấp ngực (một vị trí an toàn số một trên người em) để giữ cho sách khỏi rơi. Câu thơ cũng nói lên đức tính biết quý trọng sách vở của một em học sinh nghèo. Những động từ “sốc”, “ấp” được tác giả sử dụng cực chuẩn. Trong tình huống phải làm cả hai việc cùng lúc chỉ bằng một tay thì không còn có động từ nào chính xác và hợp lý hơn hai từ này.

Bài thơ kết thúc bằng điệp khúc của hai câu mở đầu, nhưng người đọc lại hiểu: chúng không phải là một - nói cách khác “tuy một mà hai”. Mở là sự khó khăn, thách thức. Còn kết là sự nhẫn nại, vượt khó của em.

“Em đi học” là bài thơ hay về nội dung, đậm chất nhân văn, đề cao tinh thần hiếu học. Và đẹp về giá trị nghệ thuật, tựa như một bức tranh tràn đầy sức sống. Người đọc còn tìm thấy ở bài thơ một bài học, một tấm gương sáng không chỉ cho học sinh, mà còn cho tất cả mọi người luôn nêu cao tinh thần vượt khó trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Về nhược điểm, câu 2 đã “Em còn dò dẫm ngoài trời đội mưa”, nhưng câu 3 cũng lại “Trên đầu không nón che mưa”. Nhưng dù sao vẫn có thể chấp nhận được.

       Nguyễn Văn Cự