Tổng thống Philippines - Ferdinand Romualdez Marcos Jr tại lễ kỷ niệm 125 năm thành lập Hải quân Philippines ngày 26-5-2023.

Tháng 7 này là tròn 7 năm kể từ khi Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về Biển Đông, nhưng tình hình không những không được cải thiện mà còn nảy sinh thêm nhiều diễn biến phức tạp. Nếu nói phán quyết của PCA mang tính bước ngoặt thì việc Ấn Độ lần đầu tiên kêu gọi phải tuân thủ phán quyết của PCA, bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế.

Ngày 12-7-2016, PCA - được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - ra phán quyết rằng, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc yêu cầu các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên, vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định, trong các vùng biển nằm ở cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra. Nguyên đơn của vụ kiện là Philippines và bị đơn là Trung Quốc. Tất nhiên, với bản chất của vụ việc, Trung Quốc đã không tham gia vào quá trình phân xử và đã từ chối công nhận phán quyết.

Điều bất ngờ nhất là ở chỗ, trong khi nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA, ủng hộ chính quyền của Tổng thống Philippines khi đó là Benigno Aquino III trong việc thực thi phán quyết của PCA, thì chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte lại “phớt lờ” phán quyết này. Ông Duterte có chính sách thân thiện hơn với Trung Quốc và không muốn để phán quyết của PCA ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác của Manila với Bắc Kinh. Chính sách đối ngoại xa lánh Washington, gần gũi hơn với Bắc Kinh đã khiến quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ sứt mẻ nghiêm trọng. Nhiều thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược về quân sự giữa hai nước cũng bị huỷ bỏ hoặc đe dọa bị huỷ bỏ. Trong khi đó, một quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc không giúp Philippines duy trì được quyền tài phán của mình trên biển và cũng chẳng thể giúp nền kinh tế Philippines phát huy được những thế mạnh của mình.

Ở chiều ngược lại, chính quyền mới của Tổng thống Philippines - Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã quyết định tiếp tục theo đuổi phán quyết của PCA nhằm thực thi luật pháp quốc tế. Tại lễ kỷ niệm 6 năm phán quyết Biển Đông hồi năm 2022, Ngoại trưởng Philippines - Manalo đã khẳng định phán quyết của PCA sẽ là một trụ cột trong chính sách và hành động của Chính phủ mới của ông trong khu vực tranh chấp. Trong một tuyên bố, Manalo nói: “Những phát hiện này không còn nằm trong tầm phủ nhận và bác bỏ nữa, mà mang tính kết luận vì không thể chối cãi. Phán quyết này là phán quyết cuối cùng”.

Mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ cũng đã được Philippines thiết lập, minh chứng là các thoả thuận về việc cho phép Quân đội Mỹ đóng quân ở nhiều địa điểm chiến lược, cũng thể hiện rõ lập trường xa lánh Bắc Kinh của Philippines trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. Tuy vậy, 7 năm đã trôi qua và phán quyết của PCA vẫn không được thực thi. Quan hệ Mỹ - Trung, Philippines -Mỹ hay Philippines -Trung Quốc đã có nhiều thay đổi nhưng quyết định của PCA vẫn chưa được thực thi, y như ngày đầu nó được đưa ra. Cách duy nhất để gây sức ép là sự ủng hộ của các nước với PCA, nhất là các nước lớn. Sự thay đổi lập trường của Ấn Độ mang lại hy vọng cho việc này. Phản ứng của Ấn Độ đối với phán quyết này hồi tháng 7-2016 là một phản ứng thận trọng, chỉ đơn thuần là "ghi nhận" phán quyết của PCA. Ấn Độ vẫn giữ quan điểm này cho đến cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Hỗn hợp Song phương do Ngoại trưởng S. Jaishankar với người đồng cấp Philippines - Enrique A. Manalo chủ trì được tổ chức tại New Delhi hôm 29-6 vừa qua. Khẳng định cả hai nước đều có lợi ích chung trong một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm, tuyên bố chung cho biết: “Họ (các bộ trưởng) nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và Phán quyết Trọng tài về Biển Đông năm 2016 về vấn đề này”.

Thực tế, trong tuyên bố chung với các quốc gia trong những năm qua, Ấn Độ đã tán thành ngôn ngữ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đồng thời chỉ trích việc đơn phương sử dụng vũ lực có thể cản trở hòa bình và kêu gọi tuân thủ UNCLOS. Tuy nhiên, tuyên bố chung Ấn Độ - Philippines lần này trực tiếp kêu gọi tuân thủ không chỉ UNCLOS mà còn cả phán quyết trọng tài năm 2016. Có thể nói, đây chính là sự thay đổi địa chính trị cũng như quan điểm ngày càng được củng cố chặt chẽ hơn ở New Delhi và Manila đối với Trung Quốc.

Một vai trò ngày càng lớn của Ấn Độ với các vấn đề quốc tế ắt sẽ có tác động nào đó. Là nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông nhưng Ấn Độ lại là tâm điểm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và nhiều nước. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink hôm 28-6 cho biết Washington nhận thấy vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ ở Biển Đông đang tranh chấp và sẽ có sự hợp tác giữa Washington và New Delhi trong khu vực chiến lược quan trọng này. Trong khi đó, báo giới Trung Quốc lại cho rằng việc Ấn Độ can dự vào các vấn đề Biển Đông sẽ là quá sức đối với Ấn Độ vì sức mạnh quân sự của Ân Độ không đủ và nước này chỉ có số lượng tàu chiến hạn chế, nhưng việc bán vũ khí gián tiếp và hỗ trợ quân sự cho các nước trong khu vực cũng là điều đáng lo ngại. Năm ngoái, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Philippines về việc bán tên lửa Brahmos.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong thời gian đầu xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, Ấn Độ tỏ thái độ trung lập, tuy nhiên những vụ xô xát, đụng độ chết người với quân đội Trung Quốc ở biên giới hai nước năm 2020 có lẽ là bước ngoặt lớn trong việc New Delhi thay đổi thái độ. Do đó, Biển Đông sẽ được Ấn Độ coi là “một phần thiết yếu của thế giới”. New Delhi không muốn để Bắc Kinh khống chế tuyến hàng hải huyết mạch, trung chuyển hơn 3.000 tỷ USD giao thương quốc tế hằng năm. Để có được vai trò quan trọng hơn, có lẽ Ấn Độ chỉ còn cách tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực này. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, phán quyết của PCA rất cần những quốc gia như Ấn Độ lên tiếng ủng hộ để luật pháp quốc tế được thực thi.

Thanh Huyền