Tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là dự luật có liên quan nhiều đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.

Dự án Luật này đã được trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10, sau đó Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Tại phiên họp tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự án luật này. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định bổ sung hai luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh năm 2023 theo trình tự xem xét thông qua tại hai kỳ họp.

hính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức nhiều cuộc họp với các ban, bộ, ngành liên quan. Bộ Công an tổ chức hàng trăm hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; trên cơ sở đó, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Theo đó, đa số ý kiến tham gia đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ nhằm khắc phục triệt để tốn tại, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Dự thảo Luật gồm 8 chương với những nội dung cơ bản: Quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm TTATGT đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.