Lễ phủ Quân kỳ được tổ chức trang nghiêm.

Từ sáng sớm, tiếng kẻng vang lên khắp bản Bượn (thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) báo hiệu dân làng tề tựu về gia đình ông Vi Văn Hạnh cùng tham gia chuẩn bị cho lễ đón hài cốt liệt sĩ Vi Văn Dính sau 51 năm xa quê hương.

Ngôi nhà mới xây của ông Vi Văn Hạnh tấp nập người vào ra. Người thì mang theo một túi gạo theo phong tục dân tộc Mường, người thì mang nồi, xoong đến… Mỗi người một chân, một tay giúp gia chủ vệ sinh nhà cửa, bắc rạp, kê bàn ghế, chuẩn bị nơi cử hành tang lễ… Trong số khách đến nhà có những người lính năm xưa trong quân phục chỉnh tề, trên ngực lấp lánh Huy hiệu CCB Việt Nam. Họ là đồng đội, những người từng vào sinh ra tử trong những trận chiến đấu ác liệt cùng liệt sĩ Vi Văn Dính - những CCB tham gia Ban Liên lạc Trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9 tại Hà Nội. Sau những lần đi lại lấy mẫu sinh phẩm thân nhân để xác định danh tính liệt sĩ và nhiều lần thăm hỏi, giờ đây gia đình liệt sĩ coi các anh như người thân trong gia đình. Ngôi nhà khang trang - nơi thờ cúng liệt sĩ được xây dựng với tổng kinh phí 63 triệu đồng, trong đó Ban Liên lạc hỗ trợ 50 triệu đồng từ những tấm lòng thơm thảo của đồng đội, đồng chí và nhiều nhà hảo tâm.

Người chị gái của liệt sĩ, bà Vi Thị Chóc năm nay đã 80 tuổi rưng rưng xúc động, mong ngóng em trai từng giây, từng phút. Đôi mắt ngấn lệ thỉnh thoảng lại nhìn ra ngõ. Bà bồi hồi nói: “Dính xung phong đi bộ đội từ khi 19 tuổi. Còn trẻ lắm. Dính là con trai duy nhất, nên khi nhận được tin em mất, cả nhà đau buồn lắm. Vì nhận được tin Dính hy sinh vì vướng phải mìn không tìm thấy hài cốt, nên khi các anh ở Ban Liên lạc Trung đoàn 1 đến liên hệ, ban đầu gia đình không tin. Các anh phải nhờ lãnh đạo xã mời gia đình đến UBND cùng trao đổi”.

Đại diện Ban Liên lạc Trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9 tại Hà Nội trao tặng kinh phí hỗ trợ làm nhà cho gia đình CCB Vi Văn Dính.

Trong lúc chờ đón liệt sĩ, câu chuyện bên ấm trà râm ran về những kỷ niệm thời quân ngũ, những năm tháng gian khổ mà chứa chan nghĩa tình đồng đội, về những lần vất vả tìm manh mối kết nối với gia đình liệt sĩ. Với phong thái điềm tĩnh của một người lính dày dặn trận mạc, CCB Vũ Doãn Tùng - Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 1 chia sẻ: Với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Ban Liên lạc khoanh vùng và xác định được chính xác khu mộ tập thể nơi có nhiều HCLS hy sinh trận Ba Càng, Tam Bình, Vĩnh Long. Ban Liên lạc tập hợp được danh sách 65 liệt sĩ, kết nối với 45 gia đình liệt sĩ, giúp 35/45 gia đình liệt sĩ làm hồ sơ đề nghị xét nghiệm ADN và lấy mẫu sinh phẩm thân nhân (30 gia đình phía Bắc, 5 gia đình phía Nam). Trong đó có liệt sĩ Vi Văn Dính, hy sinh ngày 12-4-1975. Trường hợp của liệt sĩ Dính rất đặc biệt, Ban Liên lạc rất khó khăn mới tìm thấy được thân nhân liệt sĩ, rồi việc thuyết phục chị gái liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm cũng không dễ dàng. Gia đình thân nhân liệt sĩ khó khăn, Ban Liên lạc hỗ trợ tiền vé máy bay, đưa đón chu đáo vì cháu liệt sĩ chưa đi máy bay bao giờ.

Lễ đón liệt sĩ Vi Văn Dính không chỉ là niềm vui của gia đình liệt sĩ mà còn của cả dòng họ, đồng đội, dân làng. Giờ đây, nỗi đau nén lại để nhường cho niềm hạnh phúc được người thân trở về sau 51 năm xa quê.

Ngày 15 và 16-6-2023, tại lễ đón, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Vi Văn Dính trở về đất mẹ trong không khí trang nghiêm, thành kính và biết ơn vô hạn, lãnh đạo chính quyền xã Tân Phúc và bà con nhân dân đặt vòng hoa và dâng hương tưởng nhớ liệt sĩ Vi Văn Dính đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sau nghi thức phủ Quân kỳ do đồng chí Lê Đình Chinh - Phó chủ tịch Hội CCB huyện Lang Chánh tham gia trực tiếp điều hành, gia đình thực hiện nghi thức cúng lễ của dân tộc Mường. Theo nguyện vọng của gia đình và được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, liệt sĩ Vi Văn Dính được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lang Chánh.

Đưa đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng, các thành viên Ban Liên lạc Trung đoàn 1 mới thực sự an tâm, thanh thản. Đây cũng là động lực để những người lính cựu tiếp tục hành trình đi tìm đồng đội, dẫu biết ngày một khó khăn hơn. Hành trang mang theo của mỗi người giờ đây đã phải thêm túi thuốc để uống theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng tuổi tác, sức khỏe giảm sút không ngăn được ý chí của những người lính hết lòng vì đồng đội.

Hồ Thanh Hương