Một trong những Dự án do Ban QLDA thành phần GFC tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư trước đây được nối tiếp ở Dự án FMCR trên địa bàn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc.

Với mục tiêu hướng tới cải thiện hoạt động quản lý rừng ven biển tại 8 tỉnh, thành phố nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Đồng thời tạo sinh kế cho người dân, cộng đồng địa phương được thụ hưởng từ Dự án. Dù vậy, như những gì Báo CCB Việt Nam phản ánh ở một số tỉnh - thành, cho thấy Dự án khó có thể mang lại kết quả cao…

Những con số biết nói

Nếu nhìn tổng quan, có thể thấy Dự án sẽ sử dụng cách tiếp cận hiện đại để tăng cường công tác quy hoạch không gian rừng ven biển; tổ chức quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; áp dụng các biện pháp lâm sinh trong việc trồng, chăm sóc và quản lý rừng hiệu quả, để tăng khả năng chống chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan; đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tham gia quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên hiện có.

Người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) được thụ hưởng từ việc đánh bắt thủy sản dưới tán rừng ngập mặn. 

Minh chứng là tại một số báo cáo, tài liệu hướng dẫn về Khung quy trình của Dự án FMCR lập năm 2016, thể hiện phạm vi và qui mô dự án có tác động rất lớn tới đời sống xã hội người dân. Có thể dẫn chứng một số tỉnh, thành phố như: Tại tỉnh Quảng Ninh, 45 xã có diện tích 24.434ha RNM, trong đó 51,1% do các UBND xã quản lý, 38,0% do các BQL rừng phòng hộ quản lý và 10,9% do các hộ gia đình và các tổ chức khác quản lý.Ở Hải Phòng, 13 xã dự án với diện tích 5.325ha, trong đó93,0% do các UBND xã quản lý, 6,0% do các BQL rừng đặc dụng quản lý và 1,1% do các hộ gia đình quản lý.

Tại Thanh Hóa, có 27 xã dự án với diện tích 3.272ha, trong đó45,7% do các UBND xã quản lý, 36,5% do các BQL rừng phòng hộ quản lý và 7,8% do các hộ gia đình, các cộng đồng và các tổ chức khác quản lý. Nghệ An cũng là tỉnh có số diện tích không nhỏ, với 38 xã dự án có diện tích 6.991ha, trong đó 17,4% do các BND xã quản lý,  69,7% do các BQL rừng phòng hộ quản lý, 12,8% do các hộ gia đình, các cộng đồng và các tổ chức khác quản lý. Tại Hà Tĩnh, 46 xã dự án với diện tích 8.861ha, trong đó 16,3% do các UBND xã quản lý, 68,9% do các BQL rừng phòng hộ quản lý, 14,8% do các hộ gia đình và các cộng đồng quản lý…

Sau buổi đánh bắt thủy hải sản gần khu vực RNM, người dân Đa Lộc được thương lái đến thu mua hết sản phẩm. Mỗi người, bình quân có thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/ngày từ đánh bắt cua, vạng, sò, hến…

Với đánh giá diện tích rừng như vậy sẽ mang lại cho các đối tượng hưởng lợi từ dự án rất lớn, tập trung vào hai kiểu đối tượng: Đối tượng hưởng lợi trực tiếp và hưởng lợi gián tiếp.

Theo số liệu tính toán của Báo cáo cho thấy người dân, các hộ gia đình và cộng đồng địa phương sinh sống tại các khu vực rừng ven biển hưởng lợi từ Dự án lên tới con số 400 cộng đồng thuộc 258 xã (khoảng 300.000 hộ dân).

Số ngày công lao động cần thiết cho hoạt động trồng rừng mới: 2.876.720 (tương đương với 8.173 nhân công); số ngày công lao động cần thiết cho phục hồi rừng 1.652.758 (tương đương với 4.696 nhân công); số ngày công lao động cần thiết cho bảo vệ rừng: 506.220… và số các hộ gia đình hưởng lợi từ các hoạt động phát triển sinh kế lên tới 64.000 hộ gia đình.

Nụ cười của người dân ven biển sau buổi thu hoạch thủy sản ở khu rừng ngập mặn.

Đặc biệt, các BQL rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp liên quan đến các dịch vụ cung ứng lâm nghiệp; chính quyền ở các cấp tỉnh, huyện và xã; và các phòng ban liên quan đến quản lý tài nguyên rừng khi bắt tay triển khai Dự án, sẽ tạo ra số lượng người tham gia vào các khóa tập huấn là 39.514 người (trong đó có 19.134 nhà quản lý và 20.380 hộ gia đình hoặc chủ rừng) tham gia. Đây là những con số “biết nói” theo tính toán của Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp và Trung tâm Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt - Đức lập tháng 12-2016. Và đặc biệt…

Quy mô dự án bao trùm cả vùng không gian… rộng lớn!

Trong một số tài liệu khác của Dự án còn thể hiện cho thấy phạm vi, quy mô Dự án đóng góp không hề nhỏ cho Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững. Cụ thể, Dự án FMCR tính toán khi triển khai trên địa bàn 8 tỉnh thành sẽ: Trồng mới rừng phòng hộ (RPH) ven biển (ngập mặn và trên cạn) là 9.000ha; phục hồi RPH ven biển (ngập mặn và trên cạn) 10.000ha; bảo vệ rừng ven biển thông qua hình thức giao rừng cho nhóm hộ/cộng đồng quản lý lâu dài theo cơ chế đồng chia sẻ lợi ích là 50.000ha…

Ngoài ra, RPH ven biển của các xã trên địa bàn 8 tỉnh được lựa chọn sẽ được cắm mốc ranh giới trên thực địa theo các chủ rừng được giao, đảm bảo ổn định lâm phần, ranh giới giữa RPH và các loại đất khác. Và khoảng 900 cộng đồng (ít nhất 27.000 hộ gia đình) được hưởng lợi trực tiếp thông qua cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, cộng đồng tham gia bảo vệ, trồng và phục hồi rừng ven biển để tăng thu nhập và cải thiện sinh kế…

Không chỉ vậy, tại địa bàn các xã triển khai Dự án còn được hỗ trợ trồng cây phân tán thông qua đề xuất cạnh tranh từ các tổ chức đoàn thể (Phụ nữ, CCB, Thanh niên, Nông dân…), hướng tới mục tiêu nhóm đối tượng này sẽ trồng, chăm sóc và bảo vệ lâu dài diện tích trồng cây phân tán của Dự án.

Bên cạnh đó, Dự án còn đầu tư cho khoảng 225 gói sinh kế, với giá trị không quá 10.000 USD/gói nhằm tạo lợi ích bền vững cho cộng đồng ven biển từ kết hợp giữa BVR và phát triển sinh kế. Dự án cũng sẽ hỗ trợ 47 gói nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa, dịch vụ từ các khu rừng ven biển với giá trị không quá 600.000 USD/gói cho các xã của 47 huyện vùng Dự án, nhằm tham gia lợi ích kinh tế và thiết lập liên kết hoạt động tạo thu nhập của nhóm cộng đồng địa phương tham gia BVR.

Ngoài ra còn 94 gói đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất với giá trị không quá 400.000 USD/gói. Đáng chú ý, từ Dự án được triển khai đầy đủ sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân, cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ bền vững rừng ven biển sau khi dự án kết thúc! Dù vậy, như những gì Báo CCB Việt Nam đã đề cập ở những số báo trước, dường như gần cuối giai đoạn của Dự án, nhiều tỉnh thành khó hoàn thành các mục tiêu đề ra. Không những thế tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại Dự án cũng rất chậm, đạt tỷ lệ thấp, có hạng mục chỉ đạt từ 0,5 đến 21% tại thời điểm tháng 6-2022. Vậy nên, một khi không triển khai, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nó sẽ mất đi cơ hội quý giá từ nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng trong nước đã phân bổ, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền. Từ đó, cơ hội sẽ bị vuột mất ở các địa phương khi Dự án được triển khai.

Đặc biệt những lộ trình, kế hoạch và mục tiêu của Dự án vạch ra sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Điều này minh chứng thể hiện khi ở thời điểm tháng 9-2022, Bộ NNPTNT có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, khiến cho nhiều người quan ngại về viễn cảnh của Dự án này!

Doanh Chính - Võ Hóa

Bài 4: Bộ chủ quản trình Chính phủ điều chỉnh Dự án, ngành chức năng chỉ ra hàng loạt “vấn đề”!