8 2022 - Môi trường kinh doanh là trụ cột quan trọng của cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Từ năm 2014 đến nay, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (chùm Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02).
Đồng thời Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo, hành động nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực cải cách vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu; đồng thời Chính phủ cũng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhà đầu tư, nỗ lực nâng vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Từ đó vị trí của Việt Nam được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt năm 2022, Chính phủ không chỉ ban hành Nghị quyết 02 mà còn mở hẳn một hội nghị mời những chuyên gia đầu ngành vừa tư vấn, vừa phản biện, tạo nên không khí hồ hởi khởi động khơi dậy niềm tin, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Nhưng bên cạnh những kỳ vọng về những kết quả đẹp thì lại có một thực tế ngược lại là “cải cách đang chững lại”. Chững lại một phần do tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng nguy hiểm hơn, đó là “hành động” cũng đang chững lại. Đây cũng là thực trạng mà cộng đồng doanh nghiệp phản ánh và các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu cũng nhận thấy, cho dù trên bảng xếp hạng toàn cầu, tuy vị trí của Việt Nam có được nâng lên.
Quan ngại hơn là xu hướng tiền kiểm đang trở lại sau cả một thời gian dài nỗ lực chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để xóa bỏ “giấy phép con” thì gần đây trong nhiều dự thảo văn bản lại xuất hiện nhiều điều kiện mới chặt hơn, khó hơn.
Đơn cử như Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15) đã cắt giảm tới 90% giấy phép, 95% thủ tục kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu trong lĩnh vực thực phẩm, nhờ đó tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu ngày công. Nhưng khi sửa đổi Nghị định này, thì lại xuất hiện những nội dung siết chặt hơn, trao quyền nhiều hơn cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó là có những yêu cầu rất vô lý, không khoa học như kiểu không được ghi số mũ (10 mũ 8), mà chỉ được ghi số 100000000 (trong dự thảo Thông tư về ghi nhãn dinh dưỡng của Bộ Y tế”.
Hay như quy định mới, yêu cầu thủ tục được thu gọn, thời gian giải quyết thủ tục phải rút ngắn, “cơ quan quản lý chỉ được yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ một lần”. Nhưng thực tế quá trình xử lý hồ sơ thủ tục vẫn kéo dài hơn quy định, bởi cán bộ thẩm định yêu cầu sửa đổi bổ sung 3-4 lần, mỗi lần một yêu cầu khác nhau, trong đó có yêu cầu bổ sung không có cơ sở pháp lý, phản khoa học.
Gần đây, Chính phủ điện tử được đẩy mạnh, dịch vụ công trực tuyến được mở rộng. Nhưng có những ngành vẫn yêu cầu phải có xác nhận của Bộ. Những hiện tượng này cho thấy rõ tư duy muốn kiểm soát doanh nghiệp của một số cơ quan quản lý, khiến doanh nghiệp chưa tin vào kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh.
Vì sao? Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đặt câu hỏi.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM đồng thời là chuyên gia tư vấn của Tổ công tác triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nói: “Khuynh hướng kháng cự cải cách, tiền kiểm đang muốn trở lại. Chúng ta phải nỗ lực đẩy lùi sức kháng cự đó”.
Lúc này doanh nghiệp đang nỗ lực đứng dậy, nền kinh tế đang cố gắng phục hồi, thì rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí hơn mới đúng.
Kinh nghiệm quốc tế và cả Việt Nam đều cho thấy, sau một đợt khủng hoảng, khó khăn, thì cải cách thể chế, môi trường kinh doanh luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với phục hồi và gia tăng tăng trưởng. Vấn đề là cách làm với tư duy như thế nào, thực sự vì doanh nghiệp, vì sự phát triển của nền kinh tế hay vì lợi ích, quyền lợi cục bộ.
Cải cách cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.
Phải duy trì, củng cố thành quả của cải cách đã đạt được… đồng thời nhanh chóng có thêm các thành quả cải cách mới, để nhanh chóng phục hồi lại niềm tin của thị trường cộng đồng doanh nghiệp, để doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
“Nỗ lực cải cách cần phải tiếp tục được khẳng định để doanh nghiệp có môi trường an toàn thuận lợi mà phát triển, đưa đất nước thịnh vượng. Những nỗ lực sẽ có tác động bội phần đến phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng trong tương lai và ngược lại” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Trí Nhân