Đồng chí Lò Văn Mừng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên và lãnh đạo huyện Điện Biên trao nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Quàng Văn Hà, xã Hua Thanh.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động là một chương trình có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc”. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ban, ngành T.Ư, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong cả nước.

Tại Lễ phát động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Đời sống các tầng lớp nhân dân nói chung, trong đó có đời sống của đồng bào các dân tộc, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, so với mặt bằng phát triển chung của cả nước, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, hàng vạn hộ nghèo vẫn phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát, một bộ phận nhân dân còn thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện chiếu sáng, cơ sở trường học, dịch vụ khám chữa bệnh...

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam về vận động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 31-11-2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đã tiếp nhận ủng hộ từ Quỹ “Vì người nghèo" T.Ư và 121 cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 174 tỷ đồng. Trong đó, đến ngày 20-10-2023, T.Ư Hội CCB Việt Nam vận động, quyên góp từ 60/63 tỉnh, thành Hội, 15/47 Hội CCB Khối 487 được hơn 9,2 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên triển khai làm nhà cho 4.989 hộ (đạt hơn 99%); trong đó có 3.828 hộ đã làm xong nhà, 1.161 hộ đang triển khai làm nhà và 11 hộ chưa làm do chủ hộ đi làm ăn xa và một số nguyên nhân khác. Các hộ gia đình tự lựa chọn hình thức nhà phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc và điều kiện của mỗi hộ gia đình. Trong đó có 1.815 nhà xây, 1.897 nhà gỗ truyền thống, 1.277 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên…

Việc rà soát lựa chọn đối tượng hỗ trợ được thực hiện chặt chẽ, bình xét từ khu dân cư đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ. Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực vận động nhân dân, các đoàn thể trong thôn, bản, anh em họ hàng đến giúp đỡ dỡ nhà, đào móng, làm nền; nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình, từng địa phương. Trong quá trình triển khai, có nhiều hộ gia đình điều kiện rất khó khăn, Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn làm trung gian đứng ra bảo lãnh, tín chấp đối với các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng để cho các hộ nghèo vay nguyên vật liệu làm nhà đảm bảo đảm đúng tiến độ. Huyện đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, Công an huyện khảo sát giá nguyên vật liệu trên địa bàn để tránh tình trạng các hộ kinh doanh đẩy giá cao…

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - Trần Quốc Cường khẳng định: Điện Biên quyết tâm hoàn thành hỗ trợ, xây dựng và bàn giao 5.000 ngôi nhà trước ngày 3-2-2024, để giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nhà mới đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường vận động nâng cao tinh thần chủ động, phát huy sức mạnh nội lực, ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án và kịp thời báo cáo cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo…

Qua sơ kết thực hiện Đề án, đồng chí Hoàng Công Thủy - Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ghi nhận kết quả tỉnh Điện Biên đạt được trong triển khai hiệu quả Đề án, đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp của tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương hơn nữa; tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi để đôn đốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nhà theo đúng tiến độ, chất lượng và tránh những đợt rét đậm, rét hại dịp cuối năm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về những kết quả đã đạt được cùng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các địa phương; chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp…

Thực hiện Đề án, cùng với nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tỉnh Điện Biên đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn chính sách, từ xã hội hóa chung tay góp sức hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, yên tâm gắn bó “máu - thịt” với vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Hồ Thanh Hương