CCB Liêu Thọ, ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu thu hoạch hành tím sớm cho năng suất cao, nhờ áp dụng quy trình trồng hành theo hướng sinh học.
Những ngày này, về miệt biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, dọc theo các tuyến đường, nhà nào cũng có hành tím, nông dân Khmer đang tất bật thu hoạch hành sớm và rất vui mừng vì vụ hành được mùa trúng giá.
Giá hành tím sớm đang ở mức cao hơn giá vụ hành chính vụ. Hiện, thương lái thu mua hành tím tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn của người dân dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg, tùy chất lượng củ hành. Với mức giá này, người trồng hành đảm bảo có được lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/1.000m2, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất.
Những tín hiệu lạc quan từ đầu vụ về giá cả trên thị trường như tiếp sức cho nông dân xứ hành Vĩnh Châu thêm hăng hái trong việc đẩy mạnh thu hoạch. Theo ông Mã Chí Thọ - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu: “Mỗi năm, nông dân Vĩnh Châu trồng trên 6.000ha hành, gồm 3 vụ hành sớm, hành chính vụ và hành giống, sản lượng đạt trên 100.000 tấn/năm. Trong đó, hành chính vụ có diện tích lớn nhất với khoảng 5.000ha.
Niên vụ hành tím năm nay, nông dân trên địa bàn thị xã xuống giống được hơn 5.000ha. Trong đó, diện tích hành tím sớm (niên vụ 2023-2024) có hơn 1.500ha, hành chính vụ hơn 3.700ha. Vụ hành tím chính vụ là vụ hành được nông dân kỳ vọng cả về về năng suất lẫn giá bán”.
Đang thu hoạch từng bụi hành tím dưới ruộng, chị Thạch Thị Luyến ở ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa phấn khởi chia sẻ: “Vụ hành sớm năm 2024, tôi xuống giống 3.000m2, đã thu hoạch 2.000m2 và đang tiếp tục thu hoạch diện tích hành còn lại, năng suất hành ước đạt 2,1 tấn/1.000m2. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hành cho năng suất tốt, giá bán hành là 35.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước (chỉ 7.000 đồng/kg). Theo đó, vụ hành mùa này trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận tầm 50 triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, với số hành thu hoạch được khoảng 7 tấn, tôi bán hành tươi cho thương lái 5 tấn, số còn lại dự trữ chờ giá tăng cao hơn nữa sẽ xuất bán, nhằm tăng nguồn thu cho gia đình…”.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước đây, bà con trồng hành tím rải vụ nên khi đến mùa thu hoạch không còn xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản, việc này sẽ giúp cho tình hình tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng rớt giá, giúp cho nông sản có giá, nông dân có lãi. Để giúp nông dân Vĩnh Châu gia tăng giá trị kinh tế từ hành tím, thời gian qua, Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân trong khâu sản xuất; giúp nông dân giảm thiểu những tác động bất lợi của yếu tố thời tiết, nhất là việc xây dựng các mô hình trồng hành đạt hiệu quả cao, sản xuất hành tím theo hướng sinh học... Qua đó, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư và đảm bảo được khâu tiêu thụ hiệu quả, ổn định.
Đang thu hoạch hành, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, CCB Liêu Thọ, ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu phấn khởi cho biết: “Vụ hành tím sớm này, tôi trồng 4 công theo hướng sinh học. Trong quá trình sản xuất, được cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xuống tận nơi hướng dẫn quy trình canh tác, hành ít bị sâu bệnh hơn so với lúc chưa thực hiện mô hình; củ hành có màu đẹp và đều hơn, lại giảm chi phí sản xuất. Năng suất hành bình quân 2,2 tấn/công, tăng 20% so cách trồng hành truyền thống, thu hoạch, phơi khô, bó chùm xong đến đâu được thu mua ngay đến đó với mức giá lên đến 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn 5.000-8.000 đồng/kg trồng theo tập quán cũ. Đây là mức giá vượt ngoài sự mong muốn của người trồng hành và cũng lâu lắm rồi giá hành mới lại lập đỉnh như ở niên vụ này”.
Ông Mã Chí Thọ - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu khẳng định: “Nếu hành tím sớm giữ ổn định ở mức giá này thì bà con có thu nhập khá cao. Đặc biệt, đối với những mô hình trồng hành tím theo hướng sinh học thì giá trị và chất lượng củ hành được nâng lên rất nhiều. Mô hình này đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường; làm đất tơi xốp, tạo môi trường sống cho các hệ vi sinh có ích phát triển và sẽ hạn chế được một số đối tượng gây bệnh, giúp cây hành phát triển tốt, góp phần tăng năng suất và chất lượng củ hành tím”.
Có thể nhận thấy rằng, việc sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ cho người sản xuất và người tiêu dùng, mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tăng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, tạo nền tảng phát triển vùng trồng hành tím an toàn, chất lượng của tỉnh.
Rời “thủ phủ” cây hành tím Vĩnh Châu cùng niềm vui với người trồng hành tím “trúng mùa – được giá”. Với tiềm năng sản lượng dồi dào, hành tím Vĩnh Châu sẽ có điều kiện gia nhập thị trường, từ đó ổn định sản xuất và nâng cao giá trị.
Phương Nghi