Chị Nguyễn Thu Hằng (thứ hai, trái sang) cùng các đoàn viên thanh niên tham quan nhà số 48 phố Hàng Ngang.
Những ngày này, có một địa điểm mà du khách trong nước và quốc tế tấp nập ghé thăm, đó là ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, T.P Hà Nội. Ngôi nhà trở thành địa danh lịch sử gắn liền với sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ngôi nhà có diện tích khá lớn, khoảng 500m2, với kiến trúc Pháp, đặc biệt, có hai mặt tiền, một mặt hướng ra phố Hàng Ngang, một mặt thông ra số 35 phố Hàng Cân. Ngôi nhà vốn là hiệu Phúc Lợi - một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Thành những năm 40 của thế kỷ trước, thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ông bà đã dành toàn bộ các phòng tầng 2 để Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí T.Ư Đảng ở, làm việc, hội họp.
Từ ngày 25-8 đến ngày 2-9-1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban Thường vụ T.Ư Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại; thể chế và các thành phần của Chính phủ lâm thời; tổ chức ngày Lễ độc lập… Đặc biệt, Người đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng có ý nghĩa vô cùng to lớn đánh dấu bước ngoặt phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, số nhà 48, phố Hàng Ngang được chọn là nơi trưng bày, tái hiện ngày tháng lịch sử, quá trình trưởng thành và cả những chiến công vàng son ghi dấu cách mạng; chân dung các đồng chí lãnh đạo anh dũng, kiên trung, cho tới những kỷ vật như chiếc áo kaki, vali mây của Bác... Tại không gian của tầng hai, du khách được tham quan hai phòng chính kết nối với nhau bởi hành lang nhỏ hẹp, nhìn ra giếng trời với không gian mở tươi mát của cây xanh và ánh sáng tự nhiên. Căn phòng sau được xếp ngăn nắp với bàn ăn và máy đánh chữ của Người cùng một bàn dài để họp.
Nơi thiêng liêng nhất của ngôi nhà là căn phòng chính tại tầng hai hướng ra mặt phố Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Căn phòng được chia làm hai không gian, phía trước là nơi tiếp khách còn phía sau là nơi làm việc chính, đặt bàn soạn thảo, tủ đựng tài liệu và giường bằng vải. Những năm qua, Ban Quản lý di tích luôn cố gắng giữ nguyên hiện trạng của căn phòng, giúp du khách cảm nhận được nét giản dị của Người khi lưu lại đây.
Chị Nguyễn Thu Hằng - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn, Cơ quan T.Ư Đoàn, Bí thư chi đoàn Ban Kiểm tra, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nhiều lần cùng đoàn viên Cơ quan T.Ư Đoàn đến thăm ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Mỗi lần đến, chị đều có những cảm xúc khó quên về lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Chị bộc bạch: “Khi bước vào ngôi nhà, tôi cảm giác như mình được trở về quá khứ. Những kỷ vật đến nay vẫn được lưu giữ, bảo quản gần như nguyên vẹn. Tôi rất xúc động vì từ những kỷ vật này giúp thế hệ trẻ như tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh, điều kiện ra đời và giá trị trường tồn của bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới 78 năm về trước. Thế hệ trẻ chúng tôi và những ĐVTN của cơ quan T.Ư Đoàn nguyện hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”
Còn với chị Linh đến từ Đà Nẵng lại rất vui vẻ, tự hào xen lẫn niềm xúc động to lớn khi chủ ý của chị lần này đến Hà Nội để viếng Lăng Bác, vô tình qua đây, chị lại nhìn thấy tấm biển ghi: “Tại ngôi nhà này, trong một phòng gác nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945”, chị nhanh chân bước vào. Chị nói: “Đây là duyên rồi em ạ!. Chị hẹn với bạn ở phố Hàng Chiếu vào viếng Lăng Bác, nhưng vào đây, không gian, hiện vật gắn liền với câu chuyện về Bác đã ở, làm việc “khai sinh” ra bản Tuyên ngôn Độc lập… đã làm chị mê mẩn. Bây giờ trễ giờ vào Lăng rồi. Nhưng không sao, chị đã quyết định ở lại Hà Nội để tiếp tục tìm hiểu”.
Không gian của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, vừa trang nghiêm thành kính vừa rực rỡ hơn khi cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm diện những tà áo dài đến thắp hương tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối. Dẫn đầu đoàn là Chủ tịch LHPN phường Hàng Trống - Dương Thùy Dương. Sau khi tham quan, chị Dương thể hiện quyết tâm: “Với mong muốn bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội LHPN phường Hàng Trống nguyện mãi mãi học tập, rèn luyện và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, xây dựng phường Hàng Trống ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Năm 1979, ngôi nhà số 48, Hàng Ngang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Gần 8 thập niên trôi qua, những nét xưa cũ của nếp nhà xưa vẫn còn đó, bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào lúc 14 giờ ngày 2-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn còn vang vọng đến hôm này và mai sau. Những kỷ vật gắn liền với câu chuyện của Bác tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử hào hùng được các bậc cha anh viết nên, mà còn là “địa chỉ đỏ” tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Vũ Minh