Binh sĩ Nga thao tập ở vùng Rostov, phía tây nam nước Nga, ngày 14-12.
Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây từ năm 2014 tới nay đã lên tới mức đỉnh điểm. Để giảm nhiệt, Tổng thống Mỹ - Joe Biden và người đồng cấp Nga - Vladimir Putin đã có cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 trực tiếp và hội đàm trực tuyến đầu tháng 12-2021. Thế nhưng, kết quả của hai cuộc gặp này chỉ dừng ở mức hai bên vạch ra những “lằn ranh đỏ” để kiềm chế, tránh dẫn tới một cuộc phiêu lưu quân sự.
Đỉnh cao của việc căng thẳng leo thang đến tột cùng là việc Moscow đã chơi ván bài ngửa khi các cuộc đàm phán không mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, Tổng thống Nga - Putin đã gửi đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ dự thảo hiệp ước nhằm hạ nhiệt căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua, đặt ra 8 yêu cầu mà phương Tây cho là "không thể chấp nhận". Không có gì phải giấu, ngày 17-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Ryabkov lần đầu tiên công bố các yêu cầu trong dự thảo hiệp ước của Nga giữa lúc tình hình ở biên giới Nga - Ukraine nóng hơn khi hai bên cáo buộc nhau huy động một số lớn cả về lực lượng và vũ khí. Hiệp ước do Nga soạn thảo yêu cầu NATO phải cam kết "kiềm chế, không mở rộng về phía Đông, bao gồm không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác". Với yêu cầu này, Nga muốn loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan và các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania. Cụ thể hơn, Nga yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập NATO sau năm 1997, tức toàn bộ quốc gia ở phía đông của liên minh quân sự này, mà không có sự đồng ý của Nga. NATO cũng không được tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, Đông Âu, vùng Nam Caucasus và Trung Á. Ngoài ra, Nga và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, lập đường dây nóng, ngăn sự cố ở Biển Đen và Baltic. Cuối cùng, dự thảo kêu gọi hủy bỏ quyết định năm 2008 của NATO về kết nạp Ukraine và Gruzia.
Với ván bài ngửa này, Moscow muốn cho cả thế giới thấy quan điểm của mình về vấn đề an ninh. Nếu theo các điều kiện mà Nga nêu ra, rõ ràng giữa Nga và NATO sẽ có một bộ nguyên tắc về an ninh bình đẳng giữa hai bên để tránh đe dọa lẫn nhau và giảm nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, Moscow cũng cảnh báo phương Tây có thể đối mặt với "phản ứng quân sự" tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 nếu phớt lờ lợi ích của Nga.
Ván bài đã lật ngửa nhưng ai cũng biết NATO, nhất là những nước mới theo NATO và muốn theo NATO ở Đông Âu sẽ chẳng thể chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà Nga nêu ra. Bởi vậy, chẳng bất ngờ khi ngay lập tức Mỹ và NATO lên tiếng bác các yêu sách của Nga, cho đó là "không thể chấp nhận". Các quan chức NATO cho biết sẽ đưa quân đến các nước giáp Ukraine, như Ba Lan hay các nước vùng Baltic, nếu Nga động binh với Kiev.
Trong khi đó, đáp lại đề xuất cùng lời cảnh báo của Nga, một số quan chức Mỹ cũng cảnh báo Nga sẽ “trả giá đắt”. Thế nhưng, chính quyền của ông Biden lại thận trọng hơn khi cho biết sẵn sàng đối thoại với Nga cùng các đồng minh châu Âu. Sự thận trọng của Mỹ là cần thiết với vai trò là quốc gia dẫn dắt trong NATO và dù thế cục ra sao thì Nga và Mỹ mới là hai người chơi trong ván bài này.
Khi công khai các điều kiện của Hiệp ước với thế giới, Nga muốn cả thế giới thấy mối quan ngại về an ninh của mình khi NATO “Đông tiến”, đe dọa trực tiếp tới an ninh của Nga. Và như vậy, Nga muốn ngầm giải thích rằng việc điều một lực lượng lớn quân đội và vũ khí áp sát biên giới Ukraine thời gian qua là để bảo vệ an ninh của mình đồng thời có ý răn đe nếu NATO cứ “làm tới”. Dĩ nhiên, NATO chẳng thể chấp nhận điều kiện của Moscow bởi mở rộng về phía Đông là chiến lược từ lâu của khối này để kiềm chế, phong tỏa Nga.
Binh lực đã được triển khai. Các điều kiện của một hiệp ước để tránh xung đột đã được nêu rõ và cũng đã được thẳng thừng từ chối. Thế nhưng, tương lai về một cuộc xung đột quân sự sẽ khó xảy ra bởi các bên đều biết đâu là “lằn ranh đỏ” không nên vượt qua.
Thanh Huyền