I

Thoáng thế mà báo của chúng ta đã tròn ba mươi tuổi rồi. Ba mươi năm, một chặng đường so với một đời người ngắn ngủi cũng chưa phải là dài. 100 năm đối với lịch sử cũng chỉ là cái chớp mắt. Thế mà chỉ một phần ba cái chớp mắt của lịch sử, Báo CCB Việt nam của chúng ta cũng làm được bao nhiêu việc lớn.

Tờ báo là bức tranh toàn cảnh về mọi hoạt động của Hội CCB  Việt Nam, đặc biệt là việc phản ánh đời sống của Cựu Chiến binh, Báo là nhịp cầu quan trọng, nối Đảng, Quân đội, Hội CCB với các CCB, và rộng lớn hơn, với đông đảo bạn đọc cả nước. Rồi nối các CCB với nhau. Đây là căn nhà tình nghĩa, ấm áp của những người từng vào sinh ra tử.

Thời chúng ta đang sống đây là thời đại 4.0, 5.0, cũng là thời của báo chí. Toàn dân làm báo. Các nhà văn cũng làm báo. Cách đây không lâu, khi bàn về một nhà văn lớn rất nổi tiếng, tôi chợt nhận ra rằng, hầu như cuốn sách nào của ông ra cũng gây được tiếng vang, vì luôn đề cập những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại. Khảo sát thêm trong lần đi thực tế với ông, tôi thấy ông khai thác tư liệu như một nhà báo. Nhân vật và cốt truyện đều người thật, việc thật. Tên tác phẩm của ông cũng na ná như tên các bài phóng sự, hay xã luận báo Nhân Dân: Tháng Ba ở Tây Nguyên, Họ sống và chiến đấu, Gặp gỡ cuối năm, Chủ tịch huyện, Mùa lạc…Và Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa… Tôi gọi ông là “nhà văn thông tấn”. Đó là cách khu biệt ông với các nhà văn khác. Ông có vẻ giận. Nói thế, khác gì biến nhà văn thành nhà báo. Mà nhận định như vậy cũng là hạ thấp giá trị văn chương của ông.

Thực chất   đâu phải vậy. Trong kho tàng văn chương nhân loại từng có những ông khổng lồ   mà giới lý luận cũng gọi họ là “nhà văn thông tấn” đó thôi, ví như: Ernest   Hemingway và Gabriel Garcia Marquez. Hai ông vĩ đại này đều được trao Giải   thưởng Nobel. Tôi không nghĩ nhà báo thua nhà văn, hay văn chương vĩnh cửu   hơn báo chí. Sức sống của tác phẩm không nằm trong thể loại, mà hoàn toàn phụ   thuộc vào tài năng của người sáng tạo ra nó. Một bài báo hay có giá trị hơn   một truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết mà lại viết xoàng.  

                                                                        II    

Khi bàn chuyện báo chí, ta thường nghĩ đến các sự kiện, hay những vấn đề thời sự có khi chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Sự kiện qua đi, không ai tìm đến những bài viết đề cập những chuyện đã cũ ấy nữa. Nhưng đó thường là bài báo xoàng của một nhà báo xoàng. Còn đối với tài năng báo chí, nhất là với những tài năng lớn, thì họ có thể biến khoảnh khắc mong manh ấy thành vĩnh cửu. Và rồi với sức sống mãnh liệt của những con chữ linh diệu có sức ám ảnh người đọc, bài báo có thể làm sống dậy cả một giai đoạn lịch sử hay một thời đại mà nó đã đề cập.

Như tôi cũng đã nói ở trên: Thời đại chúng ta đang sống hôm nay là thời đại của báo chí. Người dân có quyền được thông tin, quyền nắm bắt sự thật. Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới, người ta xếp báo chí thuộc Quyền lực thứ tư.

Ở nước ta, báo chí quả có sức mạnh đặc biệt. Phần lớn các vụ án, các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phát hiện. Chúng ta có hơn 600 tờ báo. Nếu tính cả báo điện tử thì phải lên đến con số hàng ngàn, hàng vạn. Đó là lưới giời lồng lộng trong mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo đã xả thân vì miếng cơm, manh áo của dân. Và không phải chỉ có các nhà báo dũng cảm, trong sự phát triển như bão lốc của công nghệ thông tin hiện nay, chỉ một điện thoại di động, một cây bút có chức năng ghi hình, bất cứ người dân nào cũng thành hiệp sĩ chống tiêu cực, có thể “tóm gọn” kẻ gian với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Chẳng khuất tất nào có thể thoát nổi con mắt của dân qua ống kính của các nhà báo.

Cùng với việc chống cái xấu cái ác, báo chí cũng phát hiện nhiều vẻ đẹp như phép lạ của đời sống thường ngày.Trong khi không ít quan chức thoái hóa, tự diễn biến, đã “ăn” cả đất của dân, thì lại có người dân, sống lay lắt bằng đồng tiền bán vé số, nhưng đã hiến ngót ngàn mét đất hương hỏa, có giá trị hàng trăm cây vàng để xây trường cho trẻ con nghèo. Một thầy giáo về hưu bỏ tiền riêng làm cầu cho cả làng đi. Một cháu bé mới có ba tuổi mà đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che cho em khỏi bày ong dữ, rồi ra đi một cách thanh thản. Những tấm gương ấy đã làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt. Những câu chuyện như thế, làm sao mà cũ được.

Chính “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” đã cho các ký giả có phép màu nhiệm, biến những khoảnh khắc mong manh thành vẻ đẹp vĩnh cửu. Vẻ đẹp của muôn đời.

Báo CCB Việt Nam của chúng ta cũng ở trong đội ngũ báo chí hùng mạnh của Đảng. Chúng ta mong tờ báo của chúng ta ngày càng tươi hơn, nhạy bén hơn.

Hiện nay, nhiều trang sử tuyệt vời của Quân đội đang ở trong trí nhớ của các vị tướng lĩnh, các chiến sĩ từng vào sinh ra tử. Tôi mong tờ báo của chúng ta mở nhiều chuyên mục mới, ví dụ, “Những kỷ nệm không bao giờ cũ”, hay “Ký ức người lính Cụ Hồ”…  để các vị tướng lính, các sĩ quan, hạ sĩ quan từng vào sinh ra tử những năm chiến tranh có điều kiện kể lại, ghi lại. Đó là những trang sử chiến tranh hào hùng, những vẻ đẹp không bao giờ cũ. Nhưng những vẻ đẹp ấy, nếu không được ghi lại, thì rồi sẽ mất vĩnh viễn.

Mỗi CCB mất đi, là một pho sử sống mất đi. Tiếc vô cùng. Làm sao lưu giữ và bảo tồn được vẻ đẹp ấy. Chỉ có Báo CCB Việt Nam làm được thôi. Chúc Báo CCB Việt Nam luôn tươi mãi, đẹp mãi để lưu giữ những vẻ đẹp không thể phai tàn.

Trần Đăng Khoa