CCB Lô Văn Quang - Chi hội trưởng Chi hội CCB bản Boong (đứng giữa) thường xuyên phối hợp với đại diện các đoàn thể tuyên truyền vận động thực hiện tốt Hương ước của bản.
Bản Boong, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An có gần 100% là đồng bào người Thái. Bản nằm cạnh quốc lộ 7A, cách trung tâm xã chừng 5km, nơi đây một thời gian dài bị “bao vây” bởi tệ nạn xã hội nhưng hàng chục năm nay, bản Boong vẫn bình yên. Có được thành quả như vậy có đóng góp không nhỏ của Chi hội CCB với vai trò là nòng cốt trong thực hiện tốt Hương ước của bản.
Dẫn chúng tôi đi dạo những con đường trong bản đã được bê tông hóa, rất sạch sẽ, khang trang, ông Lô Văn Quang - Chi hội trưởng Chi hội CCB bản Boong cho biết: Từ 30 năm nay, những con đường ở bản vẫn sạch như thế, dù trước đây là đường đất.
Năm 1990, ông làm Phó bản Boong, là một trong những người đầu tiên soạn thảo Hương ước để bảo vệ bản. Hương ước lúc đó chỉ có 5 điều, 10 khoản, quy định về việc nhốt, chăn dắt trâu bò không để xâm hại cây trồng; không nhốt trâu bò, lợn gà dưới nhà sàn…
“Thực hiện Hương ước, trâu bò không còn thả rông, mà phải nhốt riêng biệt bằng chuồng; ruộng nương tươi tốt, đường làng trở nên sạch sẽ vì không bị phóng uế bừa bãi. Ruộng nương mênh mông, không thể dùng tre nứa rào để ngăn trâu bò phá hoại, chúng tôi phải dùng Hương ước để rào thôi” - ông Quang giải thích.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 1997, ma túy bắt đầu tràn về vùng núi này, tấn công vào bản làng. Hương ước bản Boong lại được bổ sung tiếp 5 điều quy định: Các gia đình không được để con em nghiện hút và không được tham gia buôn bán ma túy.
Các quy định này được thông qua dân bản, đại diện các gia đình đều ký hoặc điểm chỉ vào để thực hiện. Ít năm sau, trên sông Lam đoạn qua xã Lạng Khê xuất hiện nhiều tàu đào đãi vàng với lượng công nhân khá lớn đến từ nơi khác, ở đây bắt đầu xuất hiện nạn mại dâm. Cuốn hương ước bản Boong lại tiếp tục thêm quy định: Đàn bà, con gái trong bản không được bán dâm. Ai vi phạm phải phạt bằng tiền và phải xin lỗi cộng đồng.
Để những điều khoản của hương ước đi vào cuộc sống, Cấp ủy, Chi bộ bản giao cho Chi hội CCB của bản làm nòng cốt phối hợp các đoàn thể khác như: Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên bản... để cùng triển khai thực hiện.
Chi hội CCB của bản Boong có hơn 30 hội viên, tất cả đều trở thành những hạt nhân đi đầu trên mặt trận giữ gìn môi trường và văn hóa của bản. Chi hội xác định trước hết, mỗi gia đình hội viên CCB gương mẫu thực hiện trước, rồi tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Hương ước. Kết quả là, mặc dù ma túy tấn công vào các bản xung quanh, rất nhiều thanh niên nơi khác bị nghiện ma túy, nhưng thanh niên ở bản Boong vẫn được hương ước bảo vệ, tất cả “Nói không với ma túy”, phụ nữ không ai đi bán dâm…
Để phù hợp với tình hình, năm 2015 trước thay đổi của cuộc sống, Hương ước bản Boong đã được soạn thảo lại, nâng lên một bước, quy định chi tiết về nếp sống, văn hóa ứng xử, ăn mặc, học hành, tổ chức đám cưới, tang lễ, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Đến năm 2017, Hương ước lại được bổ sung quy định: Thanh niên đi học, ra ngoài làm ăn cũng phải giữ gìn những bản sắc văn hóa tốt đẹp của bản… Để Hương ước thực sự lan tỏa, mỗi hội viên lại tiên phong tuyên truyền, giáo dục cho người dân thực hiện.
Người dân ở bản Boong kể lại: Năm 2018, anh Lương Văn T. đi làm ăn xa về với mái tóc vàng hoe. Anh T. vừa bước xuống xe khách, dân bản nhìn thấy đã lắc đầu. Có người gọi điện báo cho bố T. Ông bố chạy xe máy ra đón con, đưa cho T. 500.000 đồng nói đi nhuộm lại tóc màu đen mới được về nhà. Anh T. ngoan ngoãn nghe theo lời bố, đi “trả lại” màu tóc. Cũng trong năm đó, anh Kha Văn S. làm công nhân ở tỉnh Bắc Ninh trở về với mái tóc bạch kim. Trở về nhà, anh S. ra đường chào hỏi cũng không ai thưa. Hôm sau, anh S. đã tự đến tiệm làm tóc để nhuộm lại mái tóc đen. Từ đó, thanh niên nam nữ ở bản Boong đi xa trở về bản đều không còn mái tóc “lai căng” nữa.
30 năm có Hương ước, 102 hộ dân bản Boong đã thuộc làu các quy định của bản. Dưới sự giám sát thực hiện Hương ước của những người có uy tín trong bản, sự tích cực của hội viên CCB và các đoàn thể khác gương mẫu đi đầu tuyên tuyền vận động thực hiện nên dân bản đều làm theo, nhờ đó bản làng luôn bình yên. Năm 2004, bản Boong vinh dự được công nhận là Bản văn hóa. Hương ước ở đây đã bao bọc, gìn giữ văn hóa bản làng hằng chục năm qua trước sự tấn công của cái xấu.
Bà Lô Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết: Nhân rộng kinh nghiệm của bản Boong, hiện nay 7 bản trong xã đều đã có Hương ước và Cấp ủy địa phương đều giao cho chi hội CBB các bản là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động con em bản thực hiện nghiêm Hương ước. Trong quá trình thực hiện, bản Boong là một điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, trong đó có sự đóng góp nổi bật của các CCB.
Bài và ảnh:Cao Sơn