Ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tại Las Vegas tháng 8/2019. Ảnh: AFP.

Nhiệm kỳ 4 năm của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” vừa trôi qua và người Mỹ đang chờ kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống đầy sóng gió nữa. Cho dù tổng thống mới có thể vẫn là Donald Trump hoặc có thể là Joe Biden của Đảng dân chủ thì di sản mà ông Trump để lại sau nhiệm kỳ của mình cũng không nhỏ chút nào dù rằng nhiều người hoặc một số quốc gia chỉ trích ông và dù rằng đại dịch Covid-19 làm cả thế giới và nước Mỹ chao đảo.

Dấu ấn phát triển kinh tế là điều ông Trump đã thể hiện tốt nhất. Có thể thấy, khi ra tranh cử hơn 5 năm về trước, ông Trump, một tỉ phú xuất thân từ ngành địa ốc, được người Mỹ kỳ vọng sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” với nền kinh tế phát triển hơn, thu nhập của doanh nghiệp và người dân tiếp tục được cải thiện. Là người nổi tiếng về làm kinh tế, không làm chính trị hay ngoại giao bài bản, nhưng ông Trump lại được cử tri Mỹ chọn lựa và chiến thắng trước đối thủ là nhà ngoại giao kỳ cựu Hillary Clinton chứng tỏ cử tri Mỹ khi đó không chỉ ủng hộ đảng Cộng hòa mà họ còn ủng hộ một Donald Trump với hy vọng tài làm kinh tế của ông có thể đưa nền kinh tế số 1 thế giới phát triển hơn nữa, dù rằng những thành tích kinh tế dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng rất đáng nể.

Ông Donald Trump đã không mất lòng cử tri Mỹ trong nỗ lực vực nền kinh tế Mỹ đi lên. Trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ, chỉ số thất nghiệp giảm đáng kể song hành cùng chỉ số tạo việc làm tăng cao. GDP Mỹ có thời điểm tăng 2,6% và chứng khoán liên tục tăng điểm. Các chính sách về thuế doanh nghiệp hay sức ép của Chính quyền Donald Trump nhằm đưa các doanh nghiệp lớn của Mỹ quay về sản xuất, đầu tư trong nước, thay vì đầu tư ở nước ngoài. Với cách làm này, rõ ràng Mỹ thu được nhiều thuế hơn, tạo được nhiều việc làm hơn và có khả năng gây sức ép với các nền kinh tế khác hơn. Trong ba năm đầu cầm quyền, gần như trong mọi bài phát biểu lớn trước công chúng, ông Trump đều không quên mở đầu bằng cách liệt kê những thành tích kinh tế của mình.

Thế rồi Covid-19 ập đến. Mọi nỗ lực mà ông Trump đã thể hiện về lĩnh vực kinh tế đều nhanh chóng bị xua tan. Sự lan nhanh và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 khiến hệ thống y tế hiện đại của Mỹ cũng đành “bó tay” cho dù ông Trump đã nhanh chóng quyết định dừng ngay những chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Các biện pháp phòng, chống Covid-19 không rõ ràng giữa chính quyền liên bang và các bang đã khiến nước Mỹ phải trả giá. Tới nay, hơn 230.000 người Mỹ đã chết bởi Covid-19 trong khi số ca nhiễm là gần 10 triệu. Kinh tế Mỹ phục hồi nhẹ sau nhiều tháng chống dịch nhưng cũng chả thấm vào đâu khi toàn thế giới, nhất là các đối tác châu Âu, của Mỹ cũng đang vật vã chống lại làn sóng dịch thứ hai. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Chính quyền của ông Trump trong vì chưa thành công trong chống Covid-19 bởi kể cả các nước châu Âu nơi người dân có cùng lối sống như người Mỹ, có nền kinh tế và y tế phát triển, áp dụng nhiều mô hình phòng chống dịch mà cũng chưa thấy mô hình nào thành công. Thế nhưng, có thể khẳng định, nếu không có Covid-19, ông Trump chắc chắn sẽ tiếp tục làm ông chủ Nhà Trắng khi những cam kết tranh cử của ông được biến thành hiện thực một cách ngoạn mục.

Kinh tế không phải là di sản duy nhất của ông Trump. Ngoại giao cũng là một thành tích đáng nể. Ông Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước qua đường ngăn cách liên Triều cùng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Những quyết định của ông với Israel đã làm thay đổi cục diện Trung Đông. Việc Chính quyền của ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã đi ngược lại quyết định của Liên hợp quốc và bị Palestine phản đối. Thế nhưng, ông Trump lại làm được một việc là khiến các quốc gia khác như các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hay Bahrain thiết lập quan hệ với Nhà nước Do Thái Israel, tiền đề giúp ổn định tình hình khu vực. Có lẽ vì thế mà ông Trump được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2020.

Dấu ấn ngoại giao của ông Trump cũng rất ấn tượng ở chủ trương “dỡ đi làm lại” hoặc “không nghe thì rút”. Về mặt tiêu cực, giới ngoại giao truyền thống quay lưng với ông Trump khi ông phớt lờ những cách làm truyền thống của Mỹ trong việc dẫn dắt thế giới. Giới ngoại giao Mỹ luôn coi các định chế như Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hay các diễn đàn đa phương là nơi để Mỹ thể hiện sức mạnh và vai trò của mình. Ông Trump làm khác. Ông chọn song phương thay vì đa phương. Hiệp định kinh tế của Mỹ với Mexico và Canada đã được dỡ đi làm lại thành công. Nước Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để các nước còn lại phải đàm phán đưa ra một hiệp định mới không có Mỹ. WTO cũng bị Mỹ đe dọa tẩy chay nếu không cải tổ.

Về mặt tích cực, với sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, các nước có vẻ đều phục tùng quyết định từ Mỹ. Đơn cử, với đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ đã thành công trong việc ép các thành viên trong khối đóng góp nhiều hơn thay vì Mỹ cứ phải chắt hầu bao cho khối. Bên cạnh đó, lời hứa rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, ép Nhật Bản và Hàn Quốc tăng chi tiêu quân sự cho lính Mỹ đồn trú, cùng quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng giúp chính quyền ông Trump tiết kiệm được một khoản tiến lớn. Khoản tiền này sẽ là lớn hơn nhiều nếu tính gộp cả những khoản thuế thu được từ việc bán vũ khí trong nhiệm kỳ của ông Trump. Có thể thấy, ngoài việc quyết định bán vũ khí cho đồng minh và đối tác thông thường hằng năm, việc Mỹ bán tên lửa cho Đài Loan hay máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor (loại máy bay Mỹ cấm xuất khẩu) cho Israel đem lại cho Mỹ một nguồn thu đáng kể.

Bên cạnh những di sản tích cực, ông Trump cũng để lại một di sản ngổn ngang mà dù ai lên làm tổng thống Mỹ cũng vất vả xử lý. Đó chính là mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Dù đã nỗ lực nhưng vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn chưa có chuyển biến trong khi quan hệ Mỹ-Iran có lúc tưởng như đã dẫn tới chiến tranh trong nhiệm kỳ của ông Trump. Bài toán Iran cũng khiến Mỹ và châu Âu xa cách khi ông Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm Barack Obama dày công mới xây dựng được. Trong khi đó, quan hệ với Nga tưởng như sẽ ấm lên khi ông Trump lên cầm quyền. Thế nhưng, những nghi ngờ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng những mâu thuẫn giữa Nga với một số nước châu Âu lại đẩy quan hệ giữa Nga và Mỹ thêm xa cách. Một khi bài toán quan hệ giữa Nga và Mỹ không được giải quyết thấu đáo, sự cạnh tranh ngầm sẽ đẩy cả châu Âu và thế giới vào bất ổn.

Quan hệ Mỹ - Trung cũng là một di sản không thể không nhắc tới. Với quan điểm cân bằng thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại khi áp thuế quan lên nhiều mặt hàng của nước này, dẫn tới việc Trung Quốc trả đũa. Việc đàm phán giữa hai nước tới giờ vẫn chưa đi đến đâu nhưng cuộc thương chiến đã kéo theo nhiều hệ lụy khi kinh tế tác động tới ngoại giao, quân sự và đã khiến giới chuyên gia nghĩ tới kịch bản của một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới. Quả vậy, những cuộc diễn tập quân sự ồn ào, việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo, đá họ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực của Việt Nam ở Biển Đông, việc Mỹ tăng cường điều động cơ bắp quân sự áp sát Trung Quốc… đã khiến khu vực trở nên bất ổn. Căng thẳng Mỹ - Trung có hạ nhiệt được hay không là câu hỏi chưa ai có thể trả lời được.

Người lãnh đạo nước Mỹ là ông Trump hay Biden thì cũng phải thừa nhận ông Trump đã để lại cho nước Mỹ và thế giới một số di sản tốt. Dù vậy, sau bốn năm dẫn dắt nước Mỹ và thế giới, ông Trump cũng để lại một số “đống đổ nát” trên toàn cầu mà ông chủ Nhà Trắng tương lai sẽ phải thực sự nỗ lực mới giải quyết được một cách hòa bình nhưng không chóng vánh.

THANH HUYỀN