Tác giả-Nhà báo Nguyễn Văn Á trao tiền cứu trợ bão lụt cho 200 hộ dân làng Phương Ngạn (Quảng Trị) ngày 30-10-2020.
Cuối cùng thì đợt vận động quyên góp tiền cứu trợ giúp nhân dân vùng lũ lụt tỉnh Quảng Trị của tôi và Ban liên lạc CCB Đại đội 16, Trung đoàn 27 kéo dài 5 ngày cũng đã kết thúc thắng lợi.
Hơn 200 hộ dân ở làng Phương Ngạn, làng Hà My, làng Bích Khê, Xóm Triêu (trong đó có 75 gia đình thuộc đối tượng người có công và nạn nhân chất độc da cam/ dioxin) xã Triệu Long (Quảng Trị) đã nhận được tiền cứu trợ của những tấm lòng nhân ái trong tình thương yêu “bốn biển một nhà”.
Hơn 100 triệu đồng tiền mặt mà nhân dân ở đây nhận được ngày 30-10-2020 tại Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27, là sự chắt chiu dành dụm tiền ăn sáng của một số học sinh lớp 4 G,Trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội gửi giúp bạn ở vùng lụt bão. Đó là những đồng tiền trích từ trợ cấp thương tật của nhiều thương binh, bệnh binh CCB và 20 nạn nhân chất độc da cam đang ngày đêm đối mặt với ốm đau bệnh tật vì vết thương chiến tranh thời hậu chiến như: Nguyễn Thanh Nhị, Đào Bá Động, Phạm Đức Ngọc, Vũ Văn Cường, Vũ Phi Định, Trần Huy Liệu, Lê Văn Linh... ở tỉnh Quảng Ninh. Đó là ông Tạ Đức Thắng, CCB Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27, ở TP. Hạ Long - nạn chất độc da cam và thương binh hạng 2/4 khì mảnh đạn còn đang nằm trong hộp sọ. Ông Thắng đã từng vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị để gắp mảnh đạn, nhưng bác sĩ cho biết tỷ lệ thành công là rất thấp nên đành chấp nhận sống trong đau đớn!. Đó là ông Dương Đức Minh, CCB Đại đội 16, Trung đoàn 27 ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có 5 người con là nạn nhân chất độc da cam đã lần lượt qua đời, để giờ đây khi tuổi đã xế chiều không có nơi nương tựa! Đó là những đồng tiền kiếm được bằng sự nhọc nhằn đạp cuốc xích lô chở khách mùa đại dịch Co Vid -19 của đồng đội tôi - những CCB trở về cuộc sống đời thường phải khốn khó trong cuộc mưu sinh vì chẳng có chế độ gì sau ngày xuất ngũ!
Thương lắm cuộc đời của những người lính trận mạc cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc của đồng đội tôi, vậy mà thật rộng lòng đồng hành với tôi trong chuyến thiện nguyện vì một miền Trung tang thương mùa bão lũ - nơi mà từng tấc đất đã nhuộm đó máu của đồng đội tôi. Đừng gọi họ là “Mạnh thường quân”. Hãy gọi họ là “ Những tấm lòng thơm thảo” đã nhường cơm sẻ áo “lá rách ít đùm lá rách nhiều” bằng đạo lý “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Tôi đã không cầm được lòng khi viết những dòng này tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị trong một ngày mưa lạnh. Mưa không nặng hạt, nhưng những cơn mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kéo dài lê thê đã làm cho lòng tôi chùng xuống. Ký ức thời trận mạc của 48 năm về trước lại hiện về vẹn nguyên trong những con người đa sầu đa cảm chúng tôi.
Ngày ấy, cũng vào những tháng ngày này, bầu trời Quảng Trị xám xịt như chì, những cơn mưa dầm ẩm ướt từ ngày này qua ngày khác… Chúng tôi đội mưa ngồi dọc chiến hào trên các “Chốt” ở An Lộng 1, Hà My, Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam, Chợ Sải, Bích Khê... xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chờ đánh trả những trận tiến công của Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến (Quân lực Việt Nam Cộng hoà) không biết sẽ xảy ra vào lúc nào? Sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc phụ thuộc vào sự may, rủi của số phận!
Trong sự hoài niệm về quá khứ, tôi bỗng nhớ lời dặn dò tôi trước lúc hy sinh của người bạn đồng hương, đồng ngũ, tên là Quý: “ Nếu nay mai chẳng may tao chết, mày hãy báo tin cho cha mẹ tao biết nhé”!
Đặng Thái Quý đã hy sinh ba ngày sau đó cùng với 2 đồng đội khác trong trận máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm làng Phương Ngạn, trong khi tôi và Khẩu đội 5 (Súng máy Cao xạ 12,7 ly), của Trung đội 3, Đại đội 16, Trung đoàn 27 đang trực chiến bảo vệ mục tiêu bên chiếc lô cốt trên cánh đồng làng Phương Ngạn. Đây là nơi tôi và Khẩu đội 5 đã chiến đấu hàng trăm trận với không quân địch từ tháng 6 -1972 đến tháng 1-1973, và đã bắn rơi 2 máy bay (trong đó tôi bắn rơi 1 chiếc máy bay A7a).
Tại trận địa này, vào lúc 15 giờ ngày 15-1-1973, sau khi bắn rơi 1 máy bay của địch để bảo vệ Sở chỉ huy và Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 27 ở làng Bố Liêu, thì một quả bom bi đã rơi vào trận địa làm 5 cán bộ, chiến sĩ Khẩu đội 5 hy sinh khi Hiệp định Pa ri lập lại hoà bình ở Việt Nam chỉ còn 13 ngày sẽ được thi hành!
Cho đến bây giờ vẫn chưa ai biết trong số 5 cán bộ, chiến sĩ Khẩu đội 5 hy sinh hôm đó có một chàng trai Hà Nội tên là Nguyễn Khắc Bình, đã dành tình cảm trên cả bạn bè cho một cô giáo cũ. Trước lúc hy sinh, Bình đã viết một lá thư gửi cho cô giáo ấy mà giờ đây đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của người đã khuất.
Cũng bằng ấy thời gian kể từ ngày Nguyễn Khắc Bình hy sinh, cô giáo ấy đã lập bàn thờ tại nhà mình để thờ phụng và lo hương khói cho Bình? Thật trân quý và thánh thiện… Âu cũng là tình cảm của thế hệ chúng tôi trong Thế kỷ XX đã đi vào huyền thoại.
Còn 10 giờ nữa nhà xe Quang Tửu mới đến đón chúng tôi rời Quảng Trị trở về Hà Nội. Đêm nay lại một đêm không ngủ trên chiếc xe giường nằm của chuyến hành trình xuyên Việt dọc dài các tỉnh Bắc miền Trung để trở về với tổ ấm gia đình.
Bão lũ sẽ qua đi, cuộc sống mới sẽ hồi sinh bằng sự cần cù một nắng hai sương chắt chiu tạo dựng lại cuộc đời sau bão lũ của người dân Quảng Trị. Duy chỉ có nỗi đau da cam là chẳng chịu lành qua chiều dài năm tháng. Nỗi đau này đang nhắc nhở chúng ta đừng lãng quên quá khứ. Đừng “vô cảm” trước nỗi đau da cam đã đằng đẵng đeo bám đất nước này gần 60 năm!
Xin trân trọng cảm ơn CCB - Thương binh Hà Văn Hải - một người đã từng “chết lâm sàng” trong bệnh viện vì vết thương tái phát và Công ty Bất động sản Hà Quang; cảm ơn các CCB Đại đội 16; Trung đoàn 27; cảm ơn những tấm lòng thơm thảo của các tập thể, cá nhân và CCB Đoàn Luyến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại số 1 (Quảng Tri) đã phát tâm công đức, chung lưng đấu cật kết nối yêu thương vì nhân dân Quảng Trị, mảnh đất nghèo đang oằn mình gánh chịu hậu quả nặng nề của 5 cơn lũ chồng lũ trong trận đại hồng thủy tháng 10 - 2020 không thể nào quên.
Nguyễn Văn Á