CCB Nguyễn Xuân Mai trước ngày nhập ngũ.
Thấm thoắt đã gần 70 năm, nhớ lại những ngày đầu nhập ngũ, tôi không khỏi bồi hồi với bao kỷ niệm. Đó là tháng 3 - 1952, vào tuổi 17, tôi cùng một số anh em ở xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên phấn khởi lên đường tòng quân.
Sau những ngày hành quân đầy gian khổ, hiểm nguy từ vùng địch tạm chiếm ra vùng tự do, chúng tôi dừng lại ở một cánh rừng thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên để biên chế về các đơn vị chiến đấu. Đơn vị đầu tiên của tôi là Trung đội 2, Đại đội 675, Tiểu đoàn phòng không trợ chiến 980, thuộc Đại đoàn 316. Sau khi ổn định biên chế, chúng tôi hành quân lên sát dãy núi Phỏng, thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và đóng quân tại đây. Việc đầu tiên là lên rừng khai thác nứa về làm doanh trại, chuẩn bị cho đợt “Chỉnh huấn chính trị”. Nhưng thú thực tôi không biết “Chỉnh huấn chính trị” là gì mà các anh cán bộ tiểu đội, trung đội nói ra vẻ quan trọngthế.
Tiểu đội trưởng của tôi là anh Đồng Quốc Huệ, người dân tộc Tày, dáng tầm thước và rất hiền. Thấy tôi trẻ lại dáng thư sinh, anh tỏ vẻ thông cảm và bảo tôi đi giúp việc đóng bè. Tôi mừng rỡ theo anh ra bờ suối. Lựa khi chỉ có hai anh em, tôi mới thủ thỉ: “Anh Huệ ơi, chỉnh huấn chính trị là gì ạ”. Anh cười, rồi giải thích: “Đó là học tập chính trị để nắm vững quan điểm chính trị, quán triệt tình hình nhiệm vụ. Lần này học tài liệu QĐND Việt Nam để hiểu rõ quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu…”. Nghe anh nói xong, tôi trút được mọi băn khoăn và thấy như mình khôn lớn hơn.
Sau khi xuôi dòng vượt thác đưa được nứa về, chúng tôi cùng nhau dựng những chiếc lán nhỏ làm doanh trại. Ở giữa sân của mỗi trung đội đều dựng một tấm liếp cao và rộng chừng mét rưỡi để làm “Báo liếp”. Mỗi người phải viết hai bài để dán lên báo liếp.
Dù đã học lớp nhất (Supérieur), lớp cuối bậc tiểu học của Trường Pusigniér ở Hà Nội, tôi vẫn thấy lạ lẫm và loay hoay không biết phải viết bài như thế nào. Đành chờ xem các anh viết để học cách viết. Khi tấm liếp đã có những bài được dán lên tôi vội ra xem. Bài báo là những tờ giấy to nhỏ khác nhau (bởi giấy bút tự lo nên ai có gì viết nấy, có bài còn viết trên cả vỏ bao thuốc lá), tôi thấy toàn là thơ và văn vần. Ví như bài: “Một buổi chiều tà về cuối thu/ Ra đi mang nặng mối căm thù/ Hờn căm lũ giặc khôn kể xiết/ Quyết chí lên đường để diệt tây…”
Tôi không biết làm thơ hay viết văn vần nên rất lo. Nghĩ mãi, rồi chợt nhớ đến cuộc nói chuyện với Tiểu đội trưởng Huệ ở bờ suối, tôi viết ngay bài “Tôi đã biết chỉnh huấn là gì”. Trong đó kể lại hiểu biết của mình sau khi được anh Huệ giảng giải về chỉnh huấn – học tập chính trị… Bài thứ hai tôi viết là “Xuôi dòng Tân Long” kể lại quá trình và không khí sôi nổi của Đại đội trong đợt khai thác nứa vừa qua.
Khi được dán lên tờ “Báo liếp” mang tên “Quyết chiến” của trung đội, hai bài báo của tôi được anh em rất tán thưởng. Bởi hầu hết anh em trong Đại đội là người dân tộc Tày và Nùng, nhiều người chưa biết chữ, còn lại cũng mới biết đọc biết viết nên bài của tôi mới được mọi người khen.
Hai bài báo đó được đọc trong sinh hoạt đại đội, đã có anh em gọi tôi là “Nhà báo” của đại đội. Tôi vừa vui vừa ngượng, chỉ thật sự vui và yên tâm khi được Chính trị viên đại đội Nguyễn Đắc Thái khenlà “Cậu còn trẻ, sống trong vùng địch tạm chiếm, mới nhập ngũ mà đã có nhận thức, tiến bộ nhanh…”.
Kể từ đó, tôi luôn gắn bó với nghiệp báo. Dù là báo liếp, báo chuyền tay khi hành quân, hay “Báo hầm” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi đến sau này, khi là phóng viên, rồi tổng biên tập Báo Phòng không - Không quân hay Báo Cựu chiến binh Việt Nam, tôi luôn trân trọng và nhớ về hai bài báo đầu đời đầy kỷ niệm đó.
Vũ Quang Huy: Theo lời kể của Đại tá CCB Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam.